trang

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Chuyện "cái giọng Sài gòn"



Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, trong đầu lúc nào cũng có một ý định là sẽ “thở đều” trên mảnh đất ồn ào này, ý định đó chắc sẽ giữ mãi cho đến lúc một ngày nào đó âm thầm không bứt rứt cắn tay áo mà mỉm cười he he he XXX xuống dưới ấy…

Gọi là yêu Sài Gòn thì có phần hơi quá!    Không dám gọi thứ tình cảm dành cho Sài  Gòn là tình yêu, nó chưa thể đạt đến mức ấy. Cái tình với Sài Gòn là cái tình của một thằng ăn ở với Sài Gòn hơn 20 năm, cái tình của một thằng mà với nó, Sài Gòn còn quá nhiều điều níu kéo, quá nhiều chuyện để mỗi khi bất chợt nghĩ về Sài Gòn, lại thấy nhơ nhớ, gần gũi…

Hồi còn đi học, vẫn hay chọc mấy đứa bạn bằng 2 câu thơ nhại :

 Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Gái Sài Gòn cái mỏ cong cong

Chuyện con gái Sài Gòn "mỏ" có cong không thì hông biết, chỉ biết con gái Sài Gòn có cái dẫu môi cong cong dễ làm chết người lắm, nhất là khi cánh môi be bé ấy cong lên một chữ "hônggg…" khi đứa con trai rủ rê đi đâu, năn nỉ gì đó. Lúc đó, lấy gương ra soi, chắc cái mặt của đứa con trai đó tội lắm.

Mà con gái Sài Gòn có điệu đà, õng ẹo chút thì mới đúng thiệt là con gái Sài Gòn. Ai mà chẳng biết vậy. Gọi đó là cái duyên ngầm của người con gái đất Gia Định cũng chẳng có gì sai. Ai hiểu được sẽ thấy sao mà yêu mà thương đến vậy…


Có dạo đọc trong một bài viết về Sài Gòn – Gia Định của nhà văn Sơn Nam , có thấy ông viết giọng Sài Gòn, cũng như văn hóa và con người Sài Gòn là một sự pha trộn và giao thoa đến hợp nhất của nhiều nơi. Đó là những người Chăm bản địa, những người khách Hoa, những người miền Trung đầu tiên đến đất Gia Định…Từ đó hình thành một loại ngôn ngữ vừa bản địa, vừa vay mượn của những người đi mở đất…

Giọng người Sài Gòn được xem là giọng chuẩn của miền Nam, cũng như giọng người Hà Nội được xem là giọng chuẩn của người miền Bắc. Giọng chuẩn tức là giọng không pha trộn, không bị cải biến đi qua thời gian. Như nói về giọng chuẩn của người Hà Nội, người ta nói đến cái giọng ấm nhẹ, khi trầm khi bổng, khi sắc khi thanh, và chẳng ai phủ nhận người Hà Nội nói chuyện rất hay và “điêu luyện”. Cái “điêu luyện” ấy như thuộc về bản chất của người Hà Nội mà chỉ người Hà Nội mới có được. Nếu nói là người Việt Nam nói như hát, thì đúng ra chỉ có người Hà Nội là “nói như hát” mà thôi, họa chăng chỉ có giọng Huế của người con gái Huế trầm tư mới cùng được ví von thế…

Người Sài Gòn thì khác, giọng Sài Gòn cũng khác. Không ngọt ngào …mía lùi như một số người dân Tây Nam Bộ ven vùng sông nước mênh mang chín rồng phù sa, không nặng nề cục mịch như người miền Đông Nam Bộ nóng cháy da thịt, giọng người Sài Gòn cũng ngọt, nhưng là cái ngọt thanh hơn, nhẹ hơn. Đó là chất giọng “thành thị” đầy kiêu hãnh của người Sài Gòn, chẳng lẫn vào đâu được mà dù người khác có bắt chước cũng khó lòng. Dường như qua nhiều năm cùng với đất Gia Định – Sài Gòn phù hoa trong nhịp sống, trong đổi mới và phát triển, thì giọng nói của người Sài Gòn cũng trở nên “cao sang” hơn. Dù vậy, có cái “thanh” của một vùng đất một thời là thủ phủ Nam Bộ, nhưng cũng chẳng mất đi đâu cái mộc mạc không bỏ được của cái gốc chung Nam Bộ.

Giọng người Sài Gòn nói lên nghe là biết liền. Ngồi nghe hai người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau ở một quán nước, bên đường hay qua điện thoại, dễ dàng nhận ra họ. Cái giọng không cao như người Hà Nội, không nặng như người Trung, mà cứ ngang ngang sang sảng riêng…Mà điều đặc biệt trong cách người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau là mấy từ “nghen, hen, hén” ở cuối câu… Người miền khác có khoái, có yêu người Sài Gòn thì cũng vì cách dùng từ “nghen, hen” này.

Khách đến nhà chơi, chủ nhà tiếp. Khách về, cười rồi buông một câu “Thôi, tôi dìa nghen!” – Chủ nhà cũng cười “Ừ, dzậy anh dìa hen!”. Nói chuyện điện thoại đã đời, để kết câu chuyện và cúp máy, một người nói “Hổng còn gì nữa, dzậy thôi hen!” “thôi” ở đây nghĩa là dừng lại, kết thúc, chấm dứt gì đó. Hai đứa bạn nói chuyện cùng nhau, bắt gặp cái gì vui, quay đầu sang đứa kế bên “Hay hén mậy?” bằng giọng điệu thoải mái…
Giọng người Sài Gòn đôi khi diễn đạt cùng một câu nói, nhưng lại bằng nhiều cung bậc giọng điệu khác nhau lại mang ý nghĩa khác nhau. Đám nhỏ quậy, nghịch phá, người chị mắng, giọng hơi gằn lại và từng tiếng một, có chút hóm hỉnh trong đó “Dzui dzữ hen!”. Đám bạn cùng tuổi, ngồi chơi chung, cười đùa, một người nói giọng cao cao vui vẻ “Dzui dzữ hen!”… Người Sài Gòn có thói quen hay “đãi” giọng ở chữ cuối làm câu nói mang một sắc thái khác khi hờn giận, khi đùa vui như “Hay dzữuuu”, “Giỏi dzữưưu…!”


Nghe người Sài Gòn nói chuyện, trong cách nói, bắt gặp “Thôi à nghen” “Thôi à!” khá nhiều, như một thói quen và cái “duyên” trong giọng Sài Gòn. Người Sài Gòn nói chuyện, không phát âm được một số chữ, và hay làm người nghe lẫn lộn giữa âm “d,v,gi” cũng như người Hà Nội phát âm lẫn các từ có phụ âm đầu “r” vậy.

Nói thì đúng là sai, nhưng viết và hiểu thì chẳng sai đâu, đó là giọng Sài Gòn mà, nghe là biết liền. Mà cũng chẳng biết có phải là do thật sự người Sài Gòn không phát âm được những chữ ấy không nữa, hay là do cách nói lẫn từ “d,v,gi” ấy là do quen miệng, thuận miệng và hợp với chất giọng Sài Gòn.. Ví như nói “Đi chơi dzui dzẻ hen mậy!” thì người Sài Gòn nói nó… thuận miệng và tự nhiên hơn nhiều so với nói “Đi chơi vui vẻ hen!”. Nói là “vui vẻ” vẫn được đấy chứ nhưng cảm giác nó ngường ngượng miệng làm sao đó. Nghe một người Sài Gòn phát âm những chữ có phụ âm "v" như "về, vui, vườn, võng" nó cảm giác sao sao á, không đúng là giọng Sài Gòn chút nào…

Nhìn lại một quãng thời gian hơn 300 năm hình thành và phát triển của Sài Gòn từ Phiên Trấn, Gia Định Trấn, Gia Định Thành, Phiên An, Gia Định Tỉnh…cho đến Sài Gòn, dân Sài Gòn đã là một tập hợp nhiều dân tộc sinh sống như Việt, Hoa, 
Kh’mer…Các sử sách xưa chép lại, khi người Việt bắt đầu đến Đồng Nai – Gia Định thì người Kh’mer đã sinh sống ở đây khá đông, rồi tiếp đó là người Hoa, và một số người tộc láng giềng như Malaysia, Indonesia (Java) cũng có mặt. Sự hợp tụ này dẫn đến nhiều sự giao thoa về mặt văn hóa, làm ăn, cũng như những mặt khác của đời sống, trong đó dĩ nhiên phải nói đến ngôn ngữ.

Tiếng nói của người Sài Gòn không chỉ thuần là tiếng Việt, mà còn là sự học hỏi, vay mượn nhiều từ ngữ của dân tộc bạn, đâm ra mang nhiều “hình ảnh” và “màu sắc” hơn. Những từ như “lì xì, thèo lèo, xí mụi, cũ xì…” là mượn, những từ như “xà quầng, mình ên…” là của người Kh’mer. Nói riết đâm quen, dần dần những từ ngữ đó, những tiếng nói đó được người dân Sài Gòn sử dụng một cách tự nhiên như của mình, điều đó chẳng có gì lạ…Thêm vào đó, nó được sửa đổi nhiều cho phù hợp với giọng Sài Gòn, thành ra có những nét đặc trưng riêng. 

Vậy nói cho cùng thì người Sài Gòn cũng có những tiếng gọi là “tiếng địa phương” (local dialect !?). Những tiếng này thể hiện rõ nhất khi người Sài Gòn nói chuyện cùng người miền khác. Nghe một người Sài Gòn nói chuyện cùng một người khác vùng, dễ dàng nhận ra những khác biệt trong lời ăn tiếng nói giữa hai người, hai miền. Có một số từ người Sài Gòn nói, người miền khác nghe rồi…cười vì chưa đoán ra được ý. Cũng như khi nghe người Huế dùng một số từ lạ lạ như “o, mô, ni, chừ, răng…” trong khi nói chuyện vậy thôi. Khác là mấy tiếng người Sài Gòn nói, vẫn có chút gì đó nó…vui vui tai, là lạ, ngồ ngộ làm sao.

Người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, có thói quen dùng từ "dạ" khi nói chuyện, khác với người miền Bắc lại dùng từ "vâng". Để ý sẽ thấy ít có người Sài Gòn nào nói từ "vâng". Khi có ai gọi, một người Sài Gòn nói "vâng!" là trong dáng dấp của câu nói đó có giọng đùa, cười cợt.. Khi nói chuyện với người lớn hơn mình, người dưới thường đệm từ "dạ" vào mỗi câu nói. "Mày ăn cơm chưa con ? – Dạ, chưa!"; "Mới dìa/dzề hả nhóc? – Dạ, con mới!"… Cái tiếng "dạ" đó, không biết sao trong cảm giác nghe của một người Sài Gòn với một người Sài Gòn thấy nó "thương" lạ…dễ chịu mà gần gũi, nhẹ nhàng mà tình cảm lắm lắm. Cảm giác nó thật riêng so với những nơi khác. Nghe một tiếng "dạ" là biết ngay tên này là dân miền Nam cái đã rồi hẳn hay…

Một người miền khác, có thể là Bắc hoặc Trung, diễn tả một khoảng thời gian ngắn vài ngày thì nói “Từ bữa đó đến bữa nay”, còn người Sài Gòn thì nói “Hổm nay”, “dạo này”…người khác nghe sẽ không hiểu, vì nói chi mà ngắn gọn ghê. (Lại phát hiện thêm một điều là người Sài Gòn hay dùng từ “ghê” phía sau câu nói để diễn tả một sắc thái tình cảm riêng. Tiếng “ghê” đó chẳng hàm ý gì nhiều, nó mang ý nghĩa là “nhiều”, là “lắm”. Nói “Nhỏ đó xinh ghê!” nghĩa là khen cô bé đó xinh lắm vậy.)

Lại so sánh từ “hổm nay” với “hổm rày” hay nghe ở các vùng quê Nam Bộ, cũng một ý nghĩa như nhau, nhưng lại không hoàn toàn giống nhau. Nghe người Sài Gòn dùng một số từ “hổm rày, miết…” là người Sài Gòn bắt chước người miền sông nước vậy. Nhưng nghe vẫn không trái tai, không cảm thấy gượng, vì trong người Sài Gòn vẫn còn cái chất Nam Bộ chung mà. 

Nghe một đứa con trai Sài Gòn nói về đứa bạn gái nào đó của mình xem…”Nhỏ đó xinh lắm!”, “Nhỏ đó ngoan!”…Tiếng “nhỏ” mang ý nghĩa như tiếng “cái” của người Hà Nội. Người Sài Gòn gọi “nhỏ Thuý, nhỏ Lý, nhỏ Uyên” thì cũng như “cái Thuý, cái Uyên, cái Lý” của người Hà Nội thôi. 


Nói một ai đó chậm chạp, người Sài Gòn kêu “Thằng đó làm gì mà cứ cà rề cà rề…nhìn phát bực!” Nghe cứ như là đùa, chẳng làm câu nói nặng nề lắm. Một người lớn hơn gọi “Ê, nhóc lại nói nghe!” hay gọi người bán hàng rong “Ê, cho chén chè nhiều nhiều tiền ít coi!”… “Ê” là tiếng Sài Gòn đó, coi gọi trổng không vậy mà chẳng có ý gì đâu, có thể nói đó là thói quen trong cách nói của người Sài Gòn. Mà người Sài Gòn cũng lạ, mua hàng gì đó, thường “quên” mất từ “bán”, chỉ nói là “cho chén chè, cho tô phở”… “cho” ở đây là mua đó nghen. 


Nghe người Sài Gòn nói chuyện với nhau, thường bắt gặp thế này “Lấy cái tay ra coi!” “Ngon làm thử coi!” “Cho miếng coi!” “Nói nghe coi!”… “Làm thử” thì còn “coi” được, chứ “nói” thì làm sao mà “coi” cho được nè ? Vậy mà người Sài Gòn lại nói, từ “coi” cũng chỉ như là một từ đệm, dân Sài Gòn nói dzậy mà. Ngồi mà nghe người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau thì quái lắm, lạ lắm, không ít người sẽ hỏi “mấy từ đó nghĩa là gì dzậy ta ?” – Mà “dzậy ta” cũng là một thứ “tiếng địa phương” của người Sài Gòn à. Người Sài Gòn có thói quen hay nói “Sao kỳ dzậy ta?” “Sao rồi ta?” “Được hông ta?”…Nghe như là hỏi chính mình vậy đó, mà…hổng phải dzậy đâu nghen, kiểu như là nửa hỏi người, nửa đùa đùa vậy mà.


Tiếng Sài Gòn là thế đó, nếu bạn giả giọng Sài Gòn nói chuyện, dù có giống cách mấy mà bỏ quên mấy tiếng đệm, mấy tiếng Sài Gòn riêng riêng này thì đúng là… “bạn hông biết gì hết chơn hết chọi!” 

Mà giọng Sài Gòn đã thế, cách người Sài Gòn xưng hô, gọi nhau cũng có phần mang “màu sắc” riêng. 


Người Sài Gòn có cái kiểu gọi “Mày” xưng “Tao” rất “ngọt”. Một vài lần gặp nhau,nói chuyện ý hợp tâm đầu một cái là người Saigon mày tao liền. Nếu đúng là dân Sài Gòn, hiểu người Sài Gòn, yêu người Sài Gòn sẽ thấy cách xưng hô ấy chẳng những không có gì là thô mà còn rất ư là thân thiện và gần gũi. 


Mày-tao là kiểu xưng hô hay thấy trong mối quan hệ bạn bè của người Sài Gòn. Cách xưng-hô này thấy dàn trải từ đủ các mối quan hệ bạn bè; từ bạn học giữa mấy đứa nhóc chút xíu, cho đến mấy bác mấy anh lớn lớn tuổi. Hổng biết cái máu dân Sài Gòn nó chảy mạnh quá hay sao mà thấy mấy cách gọi này nó…tự nhiên và dễ nói hơn là mấy từ như "cậu cậu – tớ tớ" của miền Bắc. Nói chuyện bạn bè với nhau, thân thiết mà gọi mấy tiếng mày mày tao tao thì nghe thật sướng, thật thoải mái tự nhiên, và khoai khoái làm sao ấy. Gọi thế thì mới thiệt là dân Sài Gòn.


Đấy là ngang hàng, ngang vai vế mà gọi nhau, chứ còn như đám nho nhỏ mà gặp người lớn tuổi hơn, đáng bậc cha, chú thì khác. Khi ấy “tụi nhỏ” sẽ gọi là chú, thím, cô, dì, hay bác và xưng “con” ngọt xớt. Có vẻ như người Sài Gòn "ưa" tiếng chú, thím, dì, cô hơn; cũng như đa phần dân miền Nam khác vậy mà. Mà có lẽ cách gọi này cũng còn tuỳ vào việc ước lượng tuổi của người đối diện. Gặp một người phụ nữ mà mình nhắm chừng tuổi nhỏ hơn mẹ mình ở nhà thì "Dì ơi dì…cho con hỏi chút…!" – còn lớn hơn thì dĩ nhiên là "Bác ơi bác…" rồi.

Những tiếng mợ, thím, cậu,… cũng tùy vào vai vế và người đối diện mà gọi. Có người chẳng bà con thân thuộc gì, nhưng là bạn của ba mình, lại nhỏ tuổi hơn, thế là gọi là chú và vợ của chú đó cứ thế gọi luôn là thím. Gọi thì gọi thế, còn xưng thì xưng “con” chứ không phải “cháu cháu” như một số vùng khác. Cái tiếng “con” cất lên nó tạo cho người nghe cảm giác khoảng cách giữa mình với đứa nhỏ đang nói kia tự dưng… gần xịt lại. Nghe sao mà quen thuộc, và gần gũi đến lạ lùng. Tự dưng là thấy có cảm tình liền. 

Nói tiếp chuyện xưng-hô, người Sài Gòn có kiểu gọi thế này :
Ông đó = ổng
Bà đó = bả
Anh đó = ảnh
Chị đó = chỉ

Không hiểu sao mà dấu hỏi tự nhiên cái trở nên giữ vai trò quan trọng… ngộ nghĩnh vậy nữa. Nhưng mà kêu lên nghe hay hay đúng hông? Gọi vậy mới đúng là chất Nam Bộ – Sài Gòn á nghen. 

Người Sài Gòn cũng có thói quen gọi các người trong họ theo… số. Như anh Hai, chị Ba, thím Tư, cô Chín, dượng Bảy, mợ Năm…Mà nếu anh chị em họ hàng đông đông, sợ gọi cùng là chị Hai, anh Ba mà hổng biết nói về ai thì dzậy nè, thêm tên người đó vào. Thành ra có cách gọi : chị Hai Lý, chị Hai Uyên, anh Ba Long, anh Ba Hùng… 


Thêm nữa, nếu mà anh chị em cùng nhà thì tiếng "anh-chị-em" đôi khi được…giản lược mất luôn, trở thành "Hai ơi Hai, em nói nghe nè…" và "Gì dzạ Út ?"…Tôi thích cách gọi này, đâm ra ở nhà gọi Dì Út tôi chỉ là một tiếng Út gọn lỏn. Có chuyện nhờ là cứ "Út ơi…con nhờ chút!" hoặc với mấy chị tôi thì "Hai ơi Hai…em nói nghe nè!". 


Cách gọi này của người Sài Gòn nhiều khi làm người miền khác nghe hơi…rối. Có lần, kể cho người bạn ở Hà Nội nghe về mấy người anh chị trong gia đình. Ngồi kể lể "anh Hai, chị Hai, dì Hai, Út, cậu Hai, mợ Hai, chú Ba…" một hồi cái bị kêu là hổng hiểu, xưng hô gì rối rắm quá chừng, làm phải ngồi giải thích lại suốt một hồi…lâu.

Cách xưng hô của người Sài Gòn là vậy. Nghe là thấy đặc biệt của cả một mảnh đất miền Nam sông nước.

Cứ thế, không sang trọng, điệu đà như giọng người dân đất Bắc, cũng chẳng trầm lắng, thanh thanh như tiếng Huế Thần Kinh, cái giọng Sài Gòn đi vào tai, vào lòng, vào cách cảm, và nỗi nhớ nhung của người Sài Gòn lẫn dân miền khác bằng sự ngọt ngào, bằng cái chân chất thật thà của truyền thống xa xưa, và bằng cả cái “chất Sài Gòn” chảy mạnh trong từng mạch máu người dân Sài Gòn. Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe một tiếng “Dạ!” cùng những tiếng “hen, nghen” lại thấy đất Sài Gòn như đang hiện ra trước mắt với những nhớ thương…

Hải Phan
Nguồn Taberd

Giọng miền Tây



Nước ta trải dài hơn 2.000km, qua nhiều vùng miền khác nhau, phong thổ, tập quán sinh hoạt khác nhau, giọng nói và từ ngữ giao tiếp hàng ngày mỗi vùng, miền cũng khác nên mới có giọng Hà Nội, giọng Nghệ, giọng Huế, giọng Quảng, giọng miền Nam mà Sài Gòn là đặc trưng.
Cùng là chất giọng miền Nam, không khác mấy Sài Gòn, nhưng nghe dân miền Tây chính gốc phát âm là nhận ra ngay quê tôi: Con cá gô bỏ dô gổ kêu gột gẹc.

Có người nói, giọng miền Tây “rặt” nghe dân dã, bình dị và dễ thương lắm. Bạn bè tôi dân miền Trung, miền Bắc, những năm tháng sinh viên “choảng” nhau vì “nhạy giọng” (chửi cha không bằng pha tiếng mà!), nhưng xa nhau mấy mươi năm vẫn nhắc hoài cái chất giọng chân chất, giọng miền Tây! Nhiều người miền Tây xa quê mấy mươi năm, hàng ngày nói tiếng Tây, tiếng Tàu hay đã pha tạp chất giọng của các vùng miền khác, nhưng chỉ cần đôi ba tuần sống hòa mình với chốn xưa, lại trở về cái chất giọng của cố hương.

Cùng là dân miền Tây, nhưng người Bến Tre, lại nói âm giọng “Bến Te”; cùng là người Cần Thơ, nhưng miệt Thốt Nốt lại nói “ăn cơm dzồi”. Đặc biệt, miền Tây có nhiều từ ngữ “đặc sản” chỉ vùng này mới có. Sự giao thoa ngôn ngữ Việt - Hoa - Khmer như món lẩu mắm của xứ này (cái lẩu – tiếng Hoa, món mắm – người Kinh, Khmer đều quen dùng). 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Người miền Tây hay nói “xấu quắc” để diễn tả rất xấu, xấu lắm. Hay để biểu thị sự giống nhau, thường nói “y hệt”, “y chang”. Bạn bè thân nhau, gọi là “ní” (nị, ngộ) – đều có gốc từ tiếng Hoa. Nhưng cũng có nhiều từ là sự “giao thoa ngôn ngữ  Việt – Khmer: Gặp một em gái miền Tây đi đâu một mình, hỏi: “Em đi với ai?”, trả lời: “Dạ, em đi mình ên”. Thì ra trong tiếng Khmer, “êng” có nghĩa là “một mình”. Ca sĩ, nhạc sĩ Đình Văn có bài hát rất hay “Buồn mình ên. 

Qua ngõ nhà em, thương lắm rồi mà làm bộ dửng dưng (một chút làm cao), không rẽ vào nhà mà đi qua luôn, gọi là “đi huốt” – cũng có gốc từ tiếng Khmer.  Dân miền Tây hào hiệp, phóng khoáng, sống luôn mở rộng lòng mình (chơi thì xả láng, sáng về sớm), nên không câu nệ khi dung nạp từ ngữ của người khác, há gì những cộng đồng người từng gắn bó với mình từ thuở khai hoang, mở đất, rồi sống chết giữ gìn từng mảnh ruộng, bờ mương qua bao cuộc chiến tranh.  

Người miền Nam nói chung và dân miền Tây nói riêng không dùng lẫn lộn các từ “đắc” và “mắc”, “vay” và “mượn”. Bán “mắc” là bán hàng giá cao hơn giá trị thực, còn bán “đắc” là đông khách hàng đến mua. Anh em giúp đỡ nhau chút ít tiền gọi là “cho mượn”, không bao giờ nói là “cho vay” – có tính lãi (do dân miền Tây sớm hội nhập với kinh tế thị trường, quá rành các nguyên tắc giao dịch trong luật dân sự chăng?). Nếu để ý, người miền Tây có cách dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ ba trong tiếng Việt rất đơn giản (không cần thêm từ) mà dễ hiểu; thí dụ như để chỉ anh ấy, chị ấy, ông ấy, em ấy, bà ấy,... họ nói ảnh, chỉ, ổng, ẻm, bả – gọn thế là xong.

Tiếng miền Tây chân chất, đơn giản, cũng dễ hiểu, dễ nói, nhưng khó viết một chút; nếu phiên âm nguyên xi thì sai lỗi chính tả. Người Việt do đặc điểm tiếng nói và tư duy ngôn ngữ khác (ngôn ngữ đơn âm tiết, nói chuyện uốn lưỡi bảy lần) nên nói chung học ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga – thuộc ngôn ngữ đa âm) rất cực. Ngoại ngữ là một trong những yêu cầu rèn luyện của mọi người, nhất là giới trẻ, doanh nhân, nhưng giới trẻ ngày nay hội nhập vào nhiều nền văn hoá, học nhiều, biết nhiều ngôn ngữ quốc tế (nhất là tiếng Anh, tiếng Hàn), đã cung cấp thêm vốn từ “ba rọi”, nửa nạc nửa mỡ nghe cũng vui  tai nhưng thấy kỳ kỳ. 

Nhiều người báo động sự phong phú, giàu đẹp và trong sáng của tiếng Việt đang đứng trước nguy cơ “xâm lăng” của ngôn ngữ ngoại lai. Giọng nói, từ ngữ vùng, miền cũng không nằm ngoài nguy cơ đó.

Trần Hiệp Thủy
Nguồn L Đ

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

TỒN TẠI HAY KHÔNG TỒN TẠI LINH HỒN ?




Phamvietdao.net: Mời quý chuẩn bị đón xem trên Phamvietdao.net clip quay cảnh Thần Linh xuất hiện; Các vị sẽ chứng kiến và tự mình kết luận xem: Có đúng đó là Thần Linh không; Tồn tại hay không tồn tại Thần Linh...Bởi đã có linh hồn ắt phải có Thần Linh !

Xin mời quý vị đọc bài sau đây nói về sự tồn tại của Linh hồn trên Bee.net: 
 
Linh hồn dưới góc nhìn các nhà khoa học
Cập nhật lúc :3:21 PM, 20/09/2011

Từ trước tới nay, một vài người vẫn cho là có sự tồn tại của linh hồn và nó bất tử, tồn tại trước khi xác thịt ra đời. Do vậy, khi con người chết đi, phần xác phân hủy, nhưng phần hồn thì vẫn tồn tại.
Vậy có hay không có linh hồn? Nếu có thì nó ở dạng thức nào, nó vô hình hay hữu hình? Rất nhiều nhà khoa học đã vào cuộc và đã có rất nhiều nghiên cứu thú vị về vấn đề này. 

KH&ĐS xin giới thiệu tới bạn đọc loạt bài tìm hiểu về các nghiên cứu liên quan đến linh hồn, một vài người đã từng tiếp xúc với linh hồn... để độc giả có thêm thông tin về hiện tượng còn nhiều tranh cãi này.

Các quan niệm về linh hồn
Theo ông Nguyễn Phúc Giác Hải, chủ nhiệm bộ môn Dự báo, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người, linh hồn tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau. Đầu tiên phải kể đến là những quan niệm dân gian về linh hồn. Linh hồn trong quan niệm của người Việt Nam có từ rất lâu đời. Được dân gian ghi chép lại qua ca dao, tục ngữ. Chẳng hạn như dân gian hay gọi "ba hồn bảy vía", "hồn lìa khỏi xác", "hồn xiêu phách lạc"...


Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải

Hay đại thi hào Nguyễn Du cũng đã từng đề cập đến chuyện linh hồn trong tập truyện Kiều nổi tiếng rằng: "Thác là thể phách, còn là tinh anh". Nghĩa là cái chết chỉ ở thể xác bề ngoài, còn linh hồn thì vẫn là thứ tồn tại mãi mãi.

Dù là người sống hay các linh hồn đều liên tục "phát sóng" và có những tần số nhất định. Đối với những người có khả năng đặc biệt thì tần số của họ hợp với những linh hồn của những người đã chết. Theo những nghiên cứu của ông Hải thì để tượng này xảy ra cần một điều kiện tiên quyết đó là luân xa số 7 (một huyệt nằm trên đỉnh đầu con người) bị khai mở. Người bị như vậy thường dẫn đến sự ám ảnh và bất lợi cho sức khoẻ cũng như tâm lý của người đó. Hiện tượng này dân gian thường gọi là "sơn ăn từng mặt, ma bắt từng người".


Ngược lại, hiện tượng "xuất hồn" và "đa nhân cách" thường với tư thế chủ động của người sống, có thể nắm bắt được những thông tin của người đã chết thông qua linh hồn. Ở hai dạng thức này, người "xuất hồn" có thể "bay" chu du khắp nơi, sau đó kể lại từng chi tiết, từng sự việc, sự vật đúng y như hiện thực mà người khác có thể nhìn thấy. 

Theo ông Hải thì có thể hiểu một cách đơn giản rằng: Linh hồn như một cỗ máy. Phần xác là cỗ máy còn linh hồn là người điều khiển cỗ máy đó. Cỗ máy coi như chết khi không có người điều khiển.

Có thể chụp ảnh linh hồn?
 
Ở một dạng thức tồn tại khác, ông Nguyễn Phúc Giác Hải đã cho rằng, linh hồn mang một lượng năng lượng nhất định. Ở dạng thức này có thể chụp được ảnh linh hồn. Trên thế giới và cả ở Việt Nam, linh hồn xuất hiện với rất nhiều hình dạng khác nhau. Đó là những hình vòng tròn hoặc hình người méo mó. Những hình ảnh này thường chỉ chụp được duy nhất một lần và không có sự lặp lại. Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề chụp được ảnh người chết, ảnh linh hồn đa số người đều cho rằng có sự ngụy tạo, giả dối trong đó. 

Mặc dù vậy, ở Việt Nam, một số nhà ngoại cảm vẫn chứng minh rằng đã thu chụp được hình ảnh của người chết. Người ta coi đó là linh hồn của người chết. Ông Hải cho biết, trường hợp của nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài chụp được hình của liệt sĩ Lương Xuân Tách, quê Quảng Ninh hồi cuối năm 2010. Khi đó bà Hoài đã gọi linh hồn của liệt sĩ Tách về và xuất hiện lên chiếc điện thoại di động. Trong khi chiếc điện thoại di động đã được tháo pin rời ra. 

Trước đó, gia đình liệt sĩ Tách chỉ nhớ mặt con em mình chứ không có một bức ảnh nào được giữ lại để thờ. Khi xem được hình ảnh của liệt sĩ Tách người nhà đã hết sức bất ngờ. Tuy nhiên, lúc này các nhà ngoại cảm cần một bằng chứng thuyết phục cho việc làm của mình. Sau đó, hài cốt của liệt sĩ Tách được đưa đi xét nghiệm ADN và cho kết quả hoàn toàn đúng.

Từ hiện tượng kỳ lạ này, ông Hải có suy luận rằng, linh hồn có thể mang một lượng năng lượng nhất định? Việc hình ảnh liệt sĩ Tách hiện lên chiếc điện thoại di động chắc chắn phải nhờ đến một nguồn năng lượng nhất định nào đó (khoảng 3,5 - 3,7V - PV). Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng, vấn đề này cần nghiên cứu sâu, rộng hơn nữa, bởi vì chúng ta chưa đo được tại thời điểm diễn ra hiện tượng kỳ lạ trên có nguồn năng lượng lạ nào xuất hiện không, và chỉ số đo được là bao nhiêu? 

Không chỉ riêng ông Hải mà một số nhà khoa học tin rằng, vấn đề chỉ là thời gian và sự tiến bộ của khoa học để chứng minh sự tồn tại của linh hồn. Cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa về vấn đề này để làm rõ những bí ẩn chưa được giải mã. Trong số tới chúng tôi xin giới thiệu một số nghiên cứu cụ thể của các nhà khoa học trên thế giới trong việc "truy tìm linh hồn".

( Theo bee.net )

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

CÓ TỒN TẠI THẾ GIỚI THẦN LINH ?


Phạm Viết Đào.

Nhân ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải trong bài Linh hồn dưới góc nhìn các nhà khoa học vừa đăng trên Bee.net, chúng tôi muốn tham gia thêm bằng việc bổ sung một vài hiện tượng có liên quan tới thế giới tâm linh…
Theo TS Phạm Duy Khuê, ông nguyên là Vụ trưởng Vụ Văn xã Văn phòng Chính phủ cho biết, thời đang học tại Nga, ông đã được đọc một công trình nghiên cứu về linh hồn của con người của các nhà khoa học Nga…Các nhà khoa học Nga bằng nghiên cứu, trắc nghiệm, cân đong đo đếm bằng những công cụ điện tử hiện đại nhất đã chứng minh được: linh hồn con người là có thật, là một thực thể vật chất…
Các nhà khoa học Nga đã nghiên cứu theo cách như sau: Họ tập trung quan sát, cân đong những người đang trong giờ phút hấp hối; nằm giữa vùng biên giữ cái chết và sự sống…Kết quả qua nhiều cách ghi nhận, người ta đã tìm ra được mỗi người khi chết đi đã bị hao hụt mất 3,37 gram, đây chính là phần hồn đã lìa khỏi xác…Số liệu này đã cân được tại rất nhiều người…
Khi đã có linh hồn thì tất yếu Thần Linh là thế giới có thật…Linh hồn là phần tinh túy của những con người bình thường, có những người do những cấu trúc đặc biệt nên khi sống họ là những người xuất chúng, do vậy mà lúc chết họ trở thành Thần Linh là chuyện dễ hiểu; Cũng có người lúc sống họ chỉ là người bình thường nhưng lúc chết họ trở thành Thần Linh, điều này không có gì là bất bình thường…
Thần Linh tồn tại hàng ngàn năm nay chủ yếu qua truyền thuyết, qua sự ảm ảnh trong ký ức của thế hệ này truyền qua thế hệ kia…Còn Thần Linh có hình dáng vật chất như thế nào thì chưa thấy một cuốn sách, một truyền thuyết nào khắc họa…Thần Linh thường được gắn vào trong các hiện tượng thiên nhiên như lũ lụt, giôn bão, sấm chớp…
Gần đây, tại Nam Đàn và một số vùng tại Nghệ An rộ lên hiện tượng tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp tâm linh; phương pháp này dựa vào sự áp vong của người âm vào người dương để từ đó dẫn tới việc tìm nơi an nghỉ của liệt sĩ…Bên cạnh hiện tượng áp vong của người âm vào thân nhân các gia đình liệt sĩ mà nhiều người đã chứng kiến, nhiều gia đình đã tìm được hài cốt và đưa rước được linh hồn người thân là liệt sĩ bao nhiêu năm âm dương cách biệt, về gặp lại người thân trong gia đình y như đang còn sống; Ngoài hiện tượng đó ra, tại Nghệ An cũng đã xuất hiện hiện tượng các Thần Linh về tiếp cận với người dương…
Trước đây, Phamvietdao.net đã giới thiệu hiện tượng ông Hoàng Mười, một vị Thần có đền thờ ở Núi Quyết xuất hiện qua thân xác của một học sinh lớp 11.Sau đây mời quý vị xem một clip do một Trung tâm tìm mộ liệt sĩ tại Nam Đàn quay được hiện tượng Thần Linh nhập vào một nữ sinh viên, vừa tốt nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh…
Nữ sinh viên này đến Trung tâm tìm mộ liệt sĩ cùng với gia đình để chờ áp vong ông ngoại, một liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Điều bất ngờ là nữ sinh viên này đã được Thần trưng dụng để chuyển tải một số thông điệp với người cõi dương…
Đây là băng ghi hình ghi bằng máy điện thoại, kỹ thuật không được chuẩn, phần đầu tiếng nghe không rõ và lại nói tiếng Nghệ An nên có phần khó nghe. Xin diễn giải như sau: 
1/Vị Thần Linh đầu tiên nhập vào nữ sinh viên này là Thần Địa Tạng, ta còn gọi là Thổ Địa, vị này lên để vỗ về và dỗ dành các vong liệt sĩ, sau khi được mời về cõi dương để giao tiếp với người thân, đã nấn ná không muốn trở về cõi âm; Điều này làm cho Thần Địa tạng hết sức lo lắng nên Thần này lên để yêu cầu người âm phải về cõi âm; không được ở lâu trên cõi dương làm loạn…
2/ Vị Thần Linh thứ 2 là Quan Án Sát, người gác cửa Âm Ty, người này được Thổ Địa phái lên để thiết quân luật, yêu cầu các âm binh phải quay về cõi âm, ai không về sẽ bị trừng phạt…
3/ Vị Thần Linh thứ 3 là một cảnh sát cõi âm được Thổ Địa phái lên cõi dương để canh chừng giữ trật tự cho cõi dương, ngăn chặn những hành vi quấy phá của ma quỷ, tức là người âm thoái hóa, biến chất…
Đó là toàn bộ nội dung của các hình ảnh được thể hiện qua cuốn clip này; Qua clip này còn bộc lộ một khía cạnh thú vị của cõi âm; Nếu như nguồn năng lượng giành cho người dương do lương thực thực phẩm cung cấp thì nguồn năng lượng đối với Thần Linh, người âm là hương khói…Quý vị sẽ chứng kiến Thần Linh được tiếp năng lượng bằng hương như thế nào trong clip này…
Hy vọng clip này sẽ giúp các nhà khoa học trong và ngoài nước có thêm một bằng chứng để có thể nghiên cứu sâu thêm về thế giới Tâm Linh…

Sau đây mời quý vị xem clip được quay bằng điện thoại do một trung tâm tìm mộ liệt sĩ ở Nam Đàn Nghệ An cung cấp:

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Sài Gòn, Hà Nội


Khương Hà
Phố Phan Huy Ích, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt Đức

Gia đình tôi gốc Bắc, nhưng tôi sinh ra và lớn lên ở miền Đông Nam Bộ, sống ở Sài Gòn tới nay là sáu năm, giờ lại theo chồng về Hà Nội.

Vùng tôi ở toàn người Bắc di cư nên giọng nói cũng không thay đổi bao nhiêu. Lần đầu tiên tôi bắt đầu ý thức về sự khác biệt là khi có hai ông anh bà con đại bác bắn không tới từ Ninh Bình đến nhà ở vài tháng để học nhạc. Nghe giọng nói cũng quen thuộc, nhưng hơi khó chịu, vì họ nhấn âm quá nhiều.

Có thời gian nhà có một chị giúp việc là dân Châu Đốc. Tôi còn nhớ mình có ấn tượng vô cùng xấu về chữ “ghét” của chị ấy. Mỗi lần chị ấy nói chữ “ghét” nghe ghét không chịu nổi. Bởi vậy hồi đó tôi rất ghét giọng miền Nam.

Học hết phổ thông, tôi vào Sài Gòn, thấy sốc, dù thỉnh thoảng hồi nhỏ cũng hay được ba má cho lên đó chơi. Sốc vì tiếng ồn, vì khói bụi, vì bê tông cốt sắt, vì khác biệt giọng nói, vì thức ăn ngọt, vì người ở đâu ra mà nhiều thế… Còn nhớ có những buổi chiều tôi đạp xe như điên khắp thành phố mong tìm ra một chỗ nào đó không có người, để được yên tĩnh lại, nhưng đương nhiên là tìm không ra. Có chiều, không biết đi đâu đành vào công viên Thống Nhất ngay trước Dinh Độc Lập ngồi, vì ở đó khá thoáng đãng và gió mát. Ngồi được năm phút có ngay thằng cha xe ôm sà tới trước mặt nháy nháy mắt đểu cáng và hỏi: “Đi hong em?”

Sáu tháng sau, chịu không nổi, lại tìm được việc làm ở Biên Hòa, vậy là tôi chuồn về đó ở. Thành phố Biên Hòa dễ thương, bình lặng, bình thường. Không có cái gì là thái quá ở nơi này. Giá cả rẻ, không khí trong lành, người đông vừa phải, đường bờ sông rất đẹp. Chiều đi làm về tôi thường ra bờ sông, hoặc kiếm một quán café nào đó ngồi, hoặc tập tễnh chụp hình bằng cái máy digital cùi bắp. Ấn tượng về Biên Hòa là dòng sông Đồng Nai và những buổi chiều trên sông đẹp lộng lẫy.

Sau đó có một số chuyện xảy ra, tôi lại dọn về Sài Gòn, tiếp tục căng mình ra chịu đựng những áp lực vì sự khác biệt. Dần dần rồi cũng quen, cố gắng cân bằng lại cuộc sống của mình. Ba năm đầu tiên ở Sài Gòn chỉ là đấu tranh vật vã để thích nghi và tìm một công việc thích hợp nhất.

Từ những chuyến đi chơi cho tới khi về sống ở Hà Nội, tôi có rất nhiều điều để nói về thành phố này. Nó gây ra trong tôi những cảm giác lẫn lộn: yêu và ghét, kinh tởm và ngưỡng mộ, thân thuộc và xa lạ. Hà Nội nhiều cây xanh, hồ nước, khí hậu bốn mùa rõ rệt, tuy hơi khắc nghiệt so với một đứa miền Nam như tôi, nhưng bù lại có những khoảnh khắc vô cùng đẹp trong những mùa thu, đông, và xuân. Cái nóng mùa hè ở đây là nỗi ám ảnh kinh hoàng với tôi, vì nó như cái nồi áp suất, khiến mình ngạt thở, người lúc nào cũng dính dính bẩn bẩn, vừa tắm xong lại dính và bẩn như cũ. Cả trời đất không khí cũng mù mù hơi nước. Nóng không chạy đi đâu được, nóng phát rồ, chưa có nơi nào mà cái nóng làm tôi khiếp đảm như thế.

Café Nhà Thờ, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt Đức

Hà Nội có khu phố cổ như một cái chợ cực lớn, đi đâu cũng ăn uống, hàng quán, bán mua. Chính vì vậy nên nó vừa sôi động lạ lẫm, vừa vô cùng bẩn thỉu bê bối. Công bằng mà nói, người Hà Nội ý thức hành xử nơi công cộng kém hơn nhiều nơi khác trong nước, cụ thể là Sài Gòn. Nhưng đôi khi tôi lại nghĩ, có thể rác rến, bẩn thỉu, chung chạ… là do nhà cửa quá nhỏ, quá chật, không đủ chỗ để giải quyết nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Ra khỏi khu phố cổ thấy vẫn bẩn nhưng đỡ hơn nhiều.

Người Hà Nội thì sâu sắc, ý tứ, nhưng khó lường, khó đoán, nghĩ một đằng nhiều khi nói một nẻo, chửi thề vô tội vạ, nói chuyện lớn tiếng, hay tấn công trước chứ không bao giờ để mình ở vào thế bị động trong mọi trường hợp (bởi vậy tôi toàn bị chặt chém lè cổ, đi xe ôm thì lúc đầu đòi thế này lúc sau đòi gấp ba, không trả thì chửi và có lần còn xém bị đánh). Nhưng cũng vì vậy họ chủ động được cuộc sống, công ăn việc làm, và thường chiến thắng dân những nơi khác, bằng cách nào thì chắc cũng không quan trọng lắm vì mỗi người một kiểu sống.

Con gái Hà Nội da rất đẹp, mũi cao, nên phần đông trông xinh xắn (dù thỉnh thoảng lại văng vài câu chửi thề). Dân Hà Nội thích và thích hợp với chữ quý tộc, trong khi dân Sài Gòn thích và thích hợp với chữ sành điệu. Tổng thể Hà Nội (cũ) giống như một cái làng khổng lồ, dù là thành phố, là thủ đô, nhưng nếp sống làng xã vẫn còn ăn sâu vào đời sống con người.

Người Hà Nội và dân miền Bắc nói chung bệnh sĩ hơi cao, thường thích quyền lực, mà đã có chức quyền thì của cải kiếm dễ như không. Họ cũng hay giữ kẽ, khách sáo, lễ nghi. Họ thường tính xa, ăn chắc mặc bền, cẩn thận hơn người miền Nam. Họ khá bảo thủ, hơi tự mãn, không sẵn sàng tiếp nhận cái mới. Ví dụ như đồ ăn, dù khoảng cách ba miền đã nhạt nhòa rất nhiều, nhưng ở Hà Nội rất ít quán bán món ăn của những vùng miền khác. Riêng đồ ăn Hà Nội, nếu không có quá nhiều bột ngọt như hiện nay, thì phải nói là tuyệt vời.

Có một điều hơi tế nhị, tôi nhận thấy dân Hà Nội rất hay kể chuyện tục, cả khi họ nói đùa, ý tứ thể nào cũng liên hệ tới chuyện tình dục, hoặc là các bộ phận trên cơ thể nam nữ. Đây là do sở thích, thói quen, hay ức chế ?

Nói chung tôi yêu Hà Nội nhưng hơi sợ dân Hà Nội, không phải kiểu sợ hãi mà chỉ vì không muốn phải đối phó với họ. Mình đối phó thì cũng được thôi nhưng bản tính vốn lười va chạm nên tránh được là tránh. Tuy nhiên tôi đã có vài người bạn rất tốt ở đây, những người mà mình nghĩ là có thể giữ quan hệ lâu dài được, họ không gây cho mình cảm giác nguy hiểm và lúc nào cũng phải suy đoán.

Và Sài Gòn… Khi đã bắt đầu ổn định được cuộc sống ở đây, khi đã đi rất nhiều nơi khác, tôi mới nhận thấy mình đã yêu và gắn bó với Sài Gòn đến thế nào. Yêu như thể nó là mình, như thể nó là cái phòng của mình, quờ tay ra là lấy được cuốn sách, thò chân là bật được quạt, nhắm mắt đi cũng không vấp đồ. Sài Gòn đa dạng, muôn mặt, dễ đoán, dễ nhớ. Đường Sài Gòn thẳng băng, dễ định hướng, không vòng vèo như đường Hà Nội. Sài Gòn là thành phố không ngủ, 24/24 ăn uống chơi bời nhảy nhót. Thời tiết ổn định mặc dù mưa nắng thất thường, hay có thể nói thất thường một cách ổn định. Nóng cũng rất nóng nhưng vào bóng râm là dịu, và quanh năm đều mát mẻ vào chiều tối.

Đêm Sài Gòn. Ảnh: Trần Việt Đức

Sài Gòn chẳng có danh lam thắng cảnh gì, chỉ ngồn ngộn mua sắm và tiêu pha. Người ta đến đây để kiếm tiền và tiêu tiền. Rất nhiều cơ hội nhưng cũng rất dễ bị đá ra đường. Sài Gòn đặc biệt ồn ào, đặc biệt đông đúc, và đặc biệt nhiều quán café. Quán café ở khắp mọi nơi, mọi hình thức, mọi kiểu cách, dành cho mọi đối tượng. Đây là thành phố của dịch vụ. Dịch vụ tốt hơn nhiều so với Hà Nội. Sài Gòn không có món ăn nào là đặc sản, nhưng món ăn đặc sản miền nào cũng có, muốn ăn gì có đó, quan trọng là có tiền hay không mà thôi.

Người Sài Gòn ít quanh co, ít lớn tiếng, ít đáo để, ít khéo léo, ít ghê gớm. Nhưng nếu có ghê gớm thì thực ra cũng không ghê gớm gì mấy, có che đậy thì cũng chả che đậy được ai. Dân Sài Gòn cởi mở, dễ gần, dễ tiếp nhận cái mới nhưng không giỏi chọn lọc, thành ra hơi dễ dãi, ít xét nét, săm soi, so sánh, bởi vậy nhiều khi thành lãnh đạm; tính khí hào sảng, cao hứng là cỡ nào cũng chơi tới bến, không cần biết hậu quả, bởi vậy lúc thì quá lúc thì quắt, nói chung là không ổn định. Dân Sài Gòn thích đua đòi, thích xài tiền, và là vua thời gian, lãng phí thời gian kinh khủng vào chuyện ăn uống nhậu nhẹt, chơi bời. Do thời tiết nóng nực nên dân Sài Gòn thích uống bia. Và miền Nam nói chung có “văn hóa ăn nhậu” trong khi miền Bắc là “văn hóa uống rượu.”

“Ở Sài Gòn, một mét vuông là ba thằng ăn trộm,” câu này rất hữu ích cho những người mới đến. Sểnh ra một cái là mất túi, hững hờ một tí là mất xe. Có chuyện rất buồn cười, nhà bác tôi bé xíu, buổi trưa bác rủ bạn bè đến nhậu, sợ mất xe nên dồn hết vào nhà nhưng không đủ, thành ra còn một xe thò đuôi ra đường hẻm. Các bác ngồi nhậu ngay đó mà thằng nào tháo mất cái bánh xe lúc nào không ai biết. Còn tôi bị giựt mất điện thoại hai lần, trộm viếng nhà ba bốn lần, có lần mình đang ngồi sờ sờ đó mà nó còn dám chui vào, bị giựt giỏ hai ba lần cùng với một lần giựt dây chuyền, nhưng mấy lần này mình né hoặc giành lại được. Sài Gòn cũng rất nhiều ăn xin và người bán vé số, với mọi hình thức, mọi lúc mọi nơi. Ở Hà Nội thì rất ít mấy vụ trộm cướp xin xỏ vé viếc này.

Sài Gòn cũng nhiều sự rởm đời, nhiều kẻ rởm đời, nhưng dân Sài Gòn được/bị cái là thấy mà như không thấy, nói chung không ảnh hưởng gì tới mình thì cứ tránh đi là hơn. Sài Gòn tuy nóng nhưng hay có gió nhờ gần biển, không khí thoáng đãng chứ không đặc quánh như Hà Nội, dù khói bụi ở đây nhiều hơn. Thích nhất là tới mùa thầu dầu, gió thổi qua một cái là từng đàn từng đàn từ trên cây bay xuống như chuồn chuồn, trông thì đẹp chỉ phải cái tội rác đường. Mà đường phố Sài Gòn luôn sạch sẽ hơn Hà Nội, từ đường lớn đến ngõ hẻm.

Sài Gòn có đầy kỷ niệm với tôi, đầy bạn bè, đầy những chỗ thân quen. Đi đâu thì đi, làm gì thì làm, lúc nào tôi cũng mong về lại đây. Đời sống ở đây rất bất ổn nhưng là sự bất ổn một cách bình ổn! Mình biết là kiểu gì mình cũng có thể sống được ở cái xứ đất lành chim đậu này.

2009

Giỗ Tổ cải lương


 
(nguồn: http://tranquanghai.multiply.com)
(nguồn: http://tranquanghai.multiply.com)
 
Nguyễn Phương
 
Trong chương trình phát thanh kỳ này, Nguyễn Phương xin trình bày về tập tục gỗ Tổ cải lương, thường niên nhằm ngày 11, 12 tháng 8 âm lịch, năm 2011, nhằm ngày 8 và 9 tháng 9 dương lịch là ngày giỗ Tổ cải lương.

Trước khi ra sân khấu trình diễn, các nghệ sĩ chấp tay, quay vào trong, xá Tổ ba cái rồi mới ra hát. Các nghệ sĩ cải lương và một số nghệ sĩ tân nhạc ở trong nước vẫn tuân thủ tập tục đó từ xưa đến nay, khi đi định cư nước ngoài, tôi thấy các nghệ sĩ ở bên Cali, bên Pháp, ở Canada hay ở Úc Châu vẫn theo cổ lệ của các nghệ nhân tiền bối, tôi mừng lắm. . .

Tôn giáo nào, ngành nghề nào cũng có những mỹ tục được người trong đạo hay trong giới đó tôn trọng, gìn giữ. Ví dụ, ta thấy Thiên Chúa có lễ Pâques, lễ Assomption ( Lễ Thăng Thiên ) Lễ Toussaint, lễ Tạ Ơn, Lễ Giáng Sinh, vân. . .vân. . . Phật Giáo có 3 lễ lớn: Lễ Phật Đản, Lễ Thành Đạo, Lễ Tịch Diệt, có 3 ngày rầm lớn: Rầm Thượng Ngươn tháng giêng, Rầm Trung Ngươn Tháng bảy cúng xá tội vong nhân, Rầm Hạ Ngươn tháng 10 , Lễ Vu Lan, Cao Đài có Lễ Cao Đài Đạo Khai, Tam Tông Miếu có lễ Minh Lý Đạo Khai, phiá dân chúng thường dân có ngày lễ Cha( fête des pères) , ngày lễ Mẹ( fête des Mères), ngày Tình Nhân( Valentine ), ngày lễ chủ nhân, ( Fête des patrons ) lễ những người thợ ( fête des ouvriers) , người dân Việt Nam có lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ Thánh Gióng, lễ Hai Bà Trưng. . . .v.v. . . Cải Lương cũng có ngày giỗ Tổ.

Nói tới cúng Tổ nghề, người ta thường liên tưởng đến tập tục của giới nghệ sĩ sân khấu , vì một lẽ dể hiểu là ở trong nước có hơn trăm đoàn hát cải lương và hát bội, mỗi đoàn có từ bốn đến năm, sáu chục nghệ sĩ và công nhân sân khấu, đó là chưa kể các nghệ sĩ hành nghề tự do trong các đài phát thanh, hãng dĩa, quán ăn có ca nhạc, các lớp dạy cổ nhạc, trường sân khấu kịch nghệ. Lễ cúng Tổ hàng mấy ngàn người, cùng cúng đồng loạt trong hai ngày, ở hàng trăm địa điểm, tự nhiên thấy rất là long trọng.

Trước hết, phải hiểu là cúng Tổ nghề là một tập tục cúng bái có tầm vóc quan trọng như việc thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình Việt Nam. Hồi xưa, mỗi dòng họ trong dân gian có một từ đường thờ gia tiên, mỗi triều đại của dòng Vua nào thì có Thái Miếu thờ Tiên Đế, mỗi phường nghề đều phải có miếu thờ vị Tổ Sư của nghề đó.

Vị Tổ Sư một nghề có thể là người phát minh ra nghề đó hoặc là người đầu tiên đem nghề đó ở một nơi khác, về truyền dạy cho dân chúng trong làng hay ở một vùng nào đó.

Người ta không những thờ cúng vị Tổ Sư như một hành động biết ơn công khai sáng mà còn là sự khẩn cầu xin bảo hộ cho nghề nghiệp và bảo hộ người đang hành nghề.

Tôi muốn nói về Tổ nghiệp sân khấu và các nghi lễ ngày xưa cúng Tổ như thế nào, vì hiện nay trong hoàn cảnh định cư nước ngoài, có nhiều người không còn nhớ hoặc không coi trọng tập tục cũ nữa. Tôi kể tỉ mỉ ra đây với hy vọng là lưu giữ lại một chút gì những tập tục cũ trong ngành sân khấu để mai sau các nhà nghiên cứu về văn hóa văn nghệ dùng làm tư liệu trong chương trình nghiên cứu của mình. Các bạn trẻ sanh ra hoặc lớn lên ở nước ngoài, khi nhìn về quê hương Việt Nam, có thể hiểu ngày xưa các bậc trưởng thượng của mình đã có một niềm tin như vậy để mà đeo đuổi theo nghề nghiệp, có niềm tin đó mới cống hiến cả đời mình và nhiều thế hệ nối tiếp để làm cho nghề hát ngày thêm tiến bộ hơn, hay hơn, xứng đáng có một vị trí trên nền văn hóa nghệ thuật của thế giới.

Theo tài liệu sử sách, Tổ nghề Hát Bội là Lý Nguyên Cát và Liên Thu Tâm. Liên Thu Tâm vốn là kép hát Trung Quốc được vua Lê Ngọa Triều giao cho dạy cung nữ cách hát tuồng từ năm 1005. Lý Nguyên Cát vốn là người Tàu theo đoàn quân Nguyên qua xâm lược nước ta, bị bắt làm tù binh. Vì Lý Nguyên Cát có tài hát xướng nên vua Trần dùng để dạy hát trong cung vua.

Không biết các đoàn hát bội ở miền Trung có thờ hai ông này không, chớ ở miền Nam thì thờ Ông Làng, giống như hát Tiều thờ Lão lang Quân.

Ở nhà Truyền Thống của Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ ở số 133 đường Cô Bắc, Quận Nhứt, khánh thờ Ông Tổ làm bằng một loại danh mộc, chạm trổ rất công phu, bên trong có 12 cốt ông, tính đến nay có gần một trăm năm rồi, do bà Tám Đội tặng cho giới nghệ sĩ. Bà Tám Đội là một nhà phú hào, có đồn điền cao su ở Củ Chi và là chủ gánh hát bội và rạp hát tên là Rạp Bà Tám Đội ở đường Les Marins , nay là đường Trần Hưng Đạo Chợ Lớn, người bỏ tiền ra xây cất đình Phú Nhuận.

Theo khái niệm chung của những nghệ sĩ tiền phong trong nghề hát thì Tổ Nghiệp của nghề hát là danh xưng để gọi chung các bậc tiền bối đã dày công sáng lập nên sự nghiệp có liên quan tới sân khấu như các vịá: Tổ Sư, Thánh Sư, Tiên Sư, Tam Giáo đạo Sư, Lão lang Thần ( tức Ông Làng theo cách gọi miền Nam) Thập Nhị Công nghệ, nghĩa là mười hai ông Tổ các ngành nghề như nghề thợ mộc, nghề dệt vải, ngành âm nhạc, nghề múa, nghề kim khí, nghề vẽ, vân. . . vân. . . Hồi xưa, các nghệ nhân không dùng danh từá: sân khấu là một ngành nghệ thuật tổng hợp, gồm có văn, thơ, họa, nhạc, vũ đạo, trang trí mỹ thuật như ngày nay, nhưng trong khái niệm chung về nghề hát, các nghệ nhân tiền bối đã biết đến công lao của những ngành nghề khác như nghề dệt vãi để may y phục hát, ngành kim khí làm gươm giáo, đạo cụ sân khấu, ngành vẽ ,vẽ phong cảmh. . .12 cốt ông là tượng trưng Thập Nhị Công Nghệ đó, tức là 12 ông Tổ của các ngành nghề có liên quan tới nghề sân khấu như vừa mới kể.

Hàng năm, đúng vào ngày 11 tháng 8 âm lịch thì lễ giỗ Tổ Sân Khấu. Đêm 11, lễ cúng chay với chè xôi, hoa trái. Sáng 12 là chánh lễ, cúng mặn với heo quay, gà luộc, bánh trái. Năm 2000 , tôi có về Việt Nam và đúng vào dịp cúng Tổ. Tôi có quây phim lễ cúng Tổ.

Quan khách và nghệ sĩ tề tựu đông đủ trước bàn thờ Tổ, mở đầu, ông chấp sự, là người đạo cao đức trọng, được người trong giới nghệ sĩ đề cử thay mặt làm lễ xây chầu, tức là lễ khai tràng. Ông Chấp sự nâng cặp roi trống chiến, xá ba cái, ban ba hồi thỉnh tổ .

.. . . . . . . . . . ( ba hồi trống chiến thỉnh Tổ ).. . . . . . . . . . . . .

Một hồi trống chầu , ba hồi trống chiến, vì vậy mới có câu: Đuôi trống Chầu là đầu trống chiến.
Ông Bầu , Bà Bầu, Hội Trưởng Cô Bảy Phùng Há vào niệm hương.. . .

(. Người xướng: Thỉnh Hương. Dâng Hương. . . Quỳ. . .bái. . .v. v. . )

Các năm xưa đến đây là có pháo nổ, lân múa từ ngoài vô lạy Tổ, năm nay chỉ có lân, không có pháo. Kế đó lễ Đại Bội truyền thống do các nghệ sĩ hát bội đoàn Tấn Thành Cầu Muối phối hợp với nghệ sĩ Bầu Thắng đình Cầu Quan múa Điểm Hương.

Mở đầu là Điểm Hương, một anh kép sắm mặt tướng, vai Thiên Lôi, cầm bó nhang đốt sẳn, múa bộ mở rộng, xoay bốn phương, tám hướng. Vai Thiên Lôi cắm nhang trên lư huơng bán thờ Tổ, chấp tay xá xá, lui ra. Trống vẫn đánh theo nhịp múa.

Múa Xang Nhật Nguyệt do một nam diễn viên mặc mãng bào, đội mão vua, tay cầm Mặt Nhựt, (1 tấm bảng vẻ hình mặt trời, có chữ Nhựt viết theo chữ nho), một nữ diễn viên sắm vai mụ văn, mặc mãng bào, đội mũ cữu phụng, tay cầm mặt Nguyệt, cả hai múa điệu Âm Dương phối họp.

Kế đó ba người sắm vai ba ông Phước Lộc Thọ , múa điệu múa Tam Hiền, chúc lành cho mọi người.
Tiếp theo, múa Ngũ Hành, một diễn viên đứng tuổi, sắm mặt đẹp, đội mão văn và bốn cô đào con, tượng trưng Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, múa lễ tạ thánh Tổ, cầu an và chúc lành cho bá tánh.

Sau đó 4 võ tướng múa Tứ Thiên Vương, tượng trưng cho bốn Thiên Vương trấn giữ bốn cõi trời Đông, Tây, Nam, Bắc. Khi Tứ Thiên Vương trụ bộ lại, xổ ra bốn cuộn liễng có viết 4 câuá: Quốc Thái Dân An, Phong Hòa Vũ Thuận, Hà Thanh Hải Yến, Nông Ngư Đắc Lợi. chúc mọi điều may mắn cho tất cả mọi người chớ không riêng gì giới nghệ sĩ.

Chót hết là Ông Địa ra múa, dâng liễng Gia Quan Tấn Tước. Từ sau 75 đến nay, ông Địa chỉ ra múa vui với lân, không dâng liễng Gia Quan Tấn tước nữa.

Trên đây là nghi lễ cúng Hội Kỳ Yên, tạ Thần Hoàng Bổn Cảnh, cúng Giỗ Tổ Hùng Vương, Cúng Giỗ Tổ Cải Lương, nói chung phần đầu nghi thức là cúng như vậy. Do đó ta thấy trong phần cúng tế các tiền nhân hay thánh thần, lời nguyện luôn luôn là cầu Thái Bình cho đất nước, dân được an cư lạc nghiệp, mưa thuận gió hoà, nông dân hay ngư phủ đều làm ăn phát đạt. Có lẽ các tiền nhân nghệ sĩ ngày xưa đã nghĩ rằng khi đất nước thái bình, dân an cư lạc nghiệp thì họ mới có tiền để coi hát, do vậy khi cầu cho nghề hát phát triển, bao giờ người nghệ sĩ cũng nhớ là phải cầu cho toàn dân an cư lạc nghiệp, đất nước thái bình.

Bầu không khí thật là trang nghiêm, khói hương bay quyện, các nghệ sĩ lần lượt vào lên hương, lạy Tổ theo thứ tự vai vế trong đoàn và thứ tự theo tuổi tác, kính lão đắc thọ.

Người nghệ sĩ hát bội và nghệ sĩ cải lương, trăm người như một đều có lòng thành kính tin Tổ Nghiệp. Dù nghệ sĩ đang ở Việt Nam hay đã đi định cư nước ngoài, bất kỳ ở đâu, khi nhớ ngày giỗ Tổ, khi có tổ chức giỗ Tổ thì mọi người đều tề tựu lại, chung phần tổ chức cúng Tổ. Còn một tập tục rất hay là hát hầu Tổ. Ngày xưa thì tập tục này rất được người trong giới tuân theo, bây giờ đơn giản hóa, có chỗ làm, có chỗ không.

Hát hầu Tổ là khi tề tựu, niệm hương, vái lạy xong, các diễn viên tùy theo niên kỹ, người lớn hát trước, tới xá Tổ rồi hát một câu hay một đoạn cho tổ nghe, câu hát mà người hát cho là hay nhứt. Xong rồi, tới người khác..

Trước hết là lão nghệ sĩ Minh Biện hát mấy câu trong vai Tạ Ôn Đình.

Nhạc và các câu hát hoặc trống, đờn của ngành hát bội.

Có nghệ sĩ chỉ cầm roi ngựa, biểu diễn lên yên, gò cương, tế ngựa...vân..vân..
Có nghệ sĩ múa một đường đao,
Có nghệ sĩ hát khách, hát một câu trong vai Lưu Bị cầu hôn giang tả.
Có người thủ vai Triệu Tử Long, múa thương đương dương trường bản.

Mỗi người chỉ hát một câu, múa vài điệu bộ rồi lui ra nhường cho người khác vào hát hầu Tổ. Nhạc, trống cứ tự do tấu cho cuộc biểu diễn tự do của nghệ sĩ.

Đổi nhạc hoà tấu cải lương.
Đến đây đến phần các nghệ sĩ cải lương.

Càng về khuya, anh em ăn nhậu rồi có người ngủ, dàn đờn cũng dẹp, không có đờn nữa, bởi vì đó là khuya rồi, có ông Năm Đại, ổng đi hát chầu về trễ, một mình ổng không có đờn trống gì hết, ổng ca một câu bái trước Tổ rồi ổng thổi kèn miệng…

Lệ hát hầu Ông trong lễ giỗ, mang một ý nghĩa rất tốt đẹp. Đây là dịp mà các đào kép đem hết khả năng ca diễn của mình, nói là hát cho Tổ coi, thật ra có ý tôn sư trọng đạo, trình cho các bậc đàn anh đàn chị nghệ sĩ thấy sự tiến bộ của từng người, và đặc biệt cho các ông Bầu, ông Nhưng, Thầy tuồng đánh giá khả năng của từng người để giao vai tuồng mới, để định vị trí diễn viên. .
.
Tôi nghĩ, loại trừ một vài yếu tố có tính cách mê tín trong hình thức tổ chức nghi lễ, tục lệ giỗ Tổ của giới sân khấu cũng như các ngành nghề khác biểu hiện lòng Tôn Sư Trọng Đạo, Uống Nước Nhớ Nguồn, đó là truyền thống của dân Việt Nam. Lễ Giỗ Tổ theo tôi là nên duy trì, bảo tồn để kết chặt tình tương thân tương ái giữa những người làm nghệ thuật hoặc giữa những đồng nghiệp với nhau.

Nguồn RFI

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

BÔNG ĐIÊN ĐIỂN


Người Lữ hành kỳ dị - Mùa này nước nổi ở Đồng Tháp Mười. Năm nay, nước lên chậm hơn mọi năm. Nhưng bông Điên Điển thì vẫn đúng hẹn, vàng rực bờ.

Bữa nhậu với bạn miền Tây ở Sài Gòn, bạn hỏi: "Mầy ăn bông Điên Điển không?. Tao gửi qua. Bông Điên Điển mới hái dưới kinh đem lên còn vàng ươm, nhà tao nhiều lắm!".

"Ờ! Cảm ơn mầy!. Ăn canh bông Điên Điển thì phải ăn ở miền Tây mới ngon. Chớ ngồi ở Sài Gòn mà ăn canh cá rô bông Điên Điển, coi bộ hổng đúng điệu chút nào!".

Cây Điên Điển cũng như cây dại, mọc theo bờ nước. Thân gỗ, bông búp vàng rực. Trái chín ra, hạt lại rớt xuống nước, xuống bùn, mùa nước nổi năm sau lại mọc cây mới.

Bông Điên Điển nấu canh rất ngon. Ngon miệng và và ngon mắt vì cái màu vàng của bông, khi nấu chín vẫn còn rực rỡ. Cây Điên Điển mọc nhiều nhất ở vùng Đồng Tháp Mười, ở khắp miền Tây chỗ nào cũng có.

Cây thân gỗ nhưng chụm lửa rất dở vì mau cháy, cây thân gỗ nhưng bộ rễ cạn quèo, người mạnh có thể dùng nắm tay nhổ được cả cây lớn.

Riết rồi ở miền Tây, cái gì không được tốt, cái gì không được bền, người ta hay sánh với rễ cây Điên Điển. Nói trại riết, lâu dần thành dấu ngã thành dấu hỏi, chủ yếu dùng để kêu mấy thằng rể: "Rể Điên Điển".

Mấy thằng rể cưới được con gái người ta, rồi không chịu làm ăn nuôi vợ con, làm biếng thăm viếng hỏi han cha mẹ vợ, không biết bà con bên vợ, kêu bằng "thằng rể Điên Điển".

Người vùng khác không biết cây Điên Điển, không nghe tích này, không hiểu so sánh ấy là khen hay chê. Nhe răng cười, càng giống... "thằng rể Điên Điển".

Tôi ăn canh cá rô bông Điên Điển lâu rồi, đâu mùa nước năm 1997. Hồi đó chúng tôi có một nhóm, gồm 4 cặp năm nữ, vẫn thường đi chu du đây đó bằng xe máy.

Một lần chúng tôi đi sâu vào vùng Đồng Tháp, đến một xã vùng sâu.

Sâu đến nỗi ở đây chưa hề có điện, không có sóng điện thoại, kể cả tín hiệu tivi hay radio cũng rất yếu.


Chúng tôi men theo những con đường quê nhỏ, lầy lội bùn đất, băng qua những cây cầu nhỏ xíu nhưng lại cao ngất ngưỡng và đi hai lần đò mới đến được chỗ đó.

Buổi chiều khi vừa đến, chúng tôi cởi đồ nhảy xuống sông tắm, bơi ngang bơi dọc, mấy người chèo ghe cười, hỏi: "Dân thành phố mà lội giỏi quá đa!".

Lúc lên bờ, ngồi chơi cho khô ráo, một lớp phù sa mỏng bám đầy trên tóc, trên da tôi.

Ở vùng nước nổi, nhà ở thường không có móng, dân làm nhà bằng cây, có nhiều cột chống xuống đất.

Mùa khô dân khiêng nhà ra mé sông, kê lên sát mặt nước để tiện cặp ghe ra vô.

Mùa nước nổi, dân khiêng nhà sâu vô gò cao, nước lên tới đâu, kê nhà lên tới đó. Tiện vô cùng.

Mỗi đợt khiêng nhà thì cả xóm cùng khiêng, nhà nhỏ khiêng trước, nhà lớn khiêng sau, không phải công cán gì.

Dân ở đây, nhứt là đàn ông, hầu như không ai biết guốc dép gì cả. Bàn chân thường to bè, chai sần phía dưới, điều đặc biệt là ngón chân cái thường bị xoãi ra, trông rất kỳ dị.

Họ dùng ngón chân cái này để bám thành ghe, bám sàn cây, để bấu xuống bùn, lâu dần thành tật, ai cũng vậy.

Chúng tôi được đãi ăn một bữa thịnh soạn, cá rô đồng chiên dòn rưới mắm chua ngọt và canh chua cá rô bông Điên Điển.

Chúng tôi ăn bữa cơm ấy giữa Đồng Tháp Mười, trên một sàn cây, bên một con sông nằng nặng phù sa và với vợ chồng người nông dân có ngón chân cái xoãi ra một cách kỳ dị.

Nếu một người Mỹ được mời vào nhà Trắng dùng bữa tối với ông Obama mà cảm thấy vinh hạnh như thế nào, thì chúng tôi lúc ấy cảm thấy hơn thế một trăm lần, nói vậy để bạn hiểu...

Buổi tối chúng tôi đốt một đống lửa lớn ở ngoài sân, lửa đốt bằng cây Điên Điển khô và tàu dừa, đốt lửa để xua đàn muỗi.

Những con muỗi vùng này như những chiếc máy bay tiêm kích cảm tử, chúng chích vào người phe một tiếng “phực” và một cảm giác đau nhói.

Chúng tôi lấy rượu ra uống. Nhưng da thịt bọn thành phố thơm tho, máu bọn chúng lại nhiều và ngọt (tôi nghe đàn muỗi kháo nhau thế).

Chẳng trách đàn muỗi ngày càng đông, quơ tay có thể nắm một chục con trong lòng bàn tay. Bữa rượu mất vui vì muỗi.

Chúng tôi trải chiếu rồi đem một cái mùng lớn, cắm cây và giăng mùng gần đống lửa, chúng tôi chuyển bàn nhậu vô trong mùng. Đó là một kỷ niệm đáng nhớ, bốn người đàn ông ngồi nhậu trong mùng để tránh muỗi.

Đàn muỗi tức tối bám đen cả cái mùng, nhậu xong chúng tôi đẩy mọi thứ ra ngoài và lăn ra ngủ ngay trong mùng, bạn tôi nằm ngoài cùng, cánh tay, bàn chân để cạnh vách mùng bị muỗi chích đỏ rực.


Năm nay ở Đồng Tháp Mười, nước lên chậm hơn mọi năm nhưng bông Điên Điển thì vẫn đúng hẹn, vẫn vàng rực.

Nhớ tô canh cá rô bông Điên Điển ở Đồng Tháp Mười. Con cá rô mề mùa nước nổi dai thịt, ngọt ngay, bông Điên Điển nấu chín vẫn rực rỡ.

Đàn ông thanh niên chưa vợ ăn tô canh nầy một lần, chắc chắn sẽ lấy vợ miền Tây.

Mà nếu có lấy vợ miền Tây thì tôi dặn trước: Nhớ ăn ở cho phải, đừng để người ta kêu bằng "Thằng rể Điên Điển
Nguồn http://maithanhhaiddk.blogspot.com

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

TRUYỆN NGẮN ĐOẠT GIẢI NHẤT: NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐA TÌNH



 
Võ Diệu Thanh (An Giang) – là tác giả được độc giả biết đến qua tập truyện ngắn “Cô con gái ngỗ ngược”; giải nhì của cuộc thi “Văn học tuổi 20″ lần thứ tư – đã giành được giải nhất cuộc thi truyện ngắn YuMe 2011 với tác phẩm “Người đàn bà đa tình”.
.

NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐA TÌNH  

Truyện ngắn của VÕ DIỆU THANH
Ngày mợ mới về nhà cậu Thị. Người mẹ có bảy tám nếp nhăn trên trán của Đĩnh lắc đầu.
- Vợ thằng Thị, bây qua đây tao cho cặp kiếng đen với cái khăn đội đầu.
- Má, mợ Thị đâu có cận mà má cho cặp kiếng. Vấn cái khăn như má nhìn nực nội muốn chết.
- Thằng mất dại, biết gì mà ăn cơm hớt.
Đĩnh thấy mình ngu. Anh không hiểu hết ý cặp kiếng đen của má. Đĩnh còn ngu lâu. Nhà anh phơi lá gòn. Bột gòn chất bao bao. Nó quá quen. Nhưng Đĩnh thường hỏi màu xanh này ở đâu. Lá phơi khô màu xám. Vậy thì màu xanh ở đâu khi xay nó nhừ ra. Có những điều rất ngộ.
Ví dụ như vì sao mợ Thị giấu tóc. Nó đen nhức nhối, xức dầu dừa mướt rượt nhưng lai búi cục, đội khăn quanh năm. Hình như có lúc Đĩnh cũng hiểu. Nếu mợ để cho nó bay tự do thì lôi thôi. Mấy lần mợ gội đầu, nước con sông dường như không muốn chảy nữa. Thật ra chỉ có tóc không thôi thì cũng không đến nổi. Nhưng nếu nó chảy hai bên, trên là trán phẳng, dưới là từng nét từng nét mượt mà. Đố ai không bị ám ảnh.
Ấn tượng mạnh. Chỉ có cậu Thị là không bị ngợp. Quá nhàm. Cậu mê thứ khác. Thà bỏ vợ chớ không bỏ mấy con gà trống, những ông tây trong lá bài. Ai cũng nhìn Thị. Kỳ vậy. Ôm một người người đàn bà đẹp như mợ không thấy ghiền sao, không sợ mất sao. Cậu Thị hỏi sợ gì? Mợ dám hó hé sao? Với ai? Đàn ông xóm này có ai không thèm mợ. Nhưng mấy thằng có gan bán trời không mời thiên lôi đã trót chơi thân với cậu Thị rồi. Ngu mới rề rà với vợ bạn, giang hồ ỉa vô mặt. Số người khác đàng hoàng hơn một chút thì nhìn mặt cậu Thị là muốn cóng giò. Cậu thả lang mợ.
Mợ được thả lang từ nhỏ. Mồ côi hồi tám tuổi. Chú Ba nuôi hai chị em mợ chưa khôn đã lớn. Năm mười tám có một người thương mợ. Đồ ngu, thương cháu mà gây thù với chú. Mợ đi theo người đó. Chú ba nói vậy thì thì đi luôn, khỏi gặp lại thằng em nữa. Mợ bỏ người trai đó theo chú đảo về nhà.
Cậu Thị là công tử. Một lần đi chơi nhìn thấy người con gái tóc cột buông dài, vo quần tới gối, bầm chuối, quét nhà, rửa chuồng heo… Chọc ghẹo cỡ nào mợ cũng không cười. Vậy mà say la đà. Mợ nói mợ đã có một đời chồng nhắm thương được không. Cậu hoảng. Mấy ngày kế bỏ ăn. Biết mình không thể quên được người con gái có mái tóc đen nhức đó.
Đám giang hồ cười cậu “cưới đàn bà ngóc đầu lên nổi tao kê cổ cho khứa”. Yếu bóng vía mới tin. Nhưng cậu bại trận hoài. Trong bụng không khi nào thấy vui. Cậu hận mình. Cái mùi trinh nguyên nó ra làm sao. Những lúc kề cận nhau cậu hay hỏi “mày còn tưởng nhớ thằng đó phải không”. Mợ không nói được.
Cậu cắm đầu với mấy chuồng gà. Mấy chục công đất cha mẹ để lại bay theo những cú nhảy vọt máu của đám gà. Mợ muốn nấu một nồi bánh canh bán nhưng má Đĩnh bàn ra. Xóm có vài trăm nóc nhà, mới ba giờ nhà nào cũng có người thức sớm nấu cơm. Đi buôn bán xa thì cậu biểu đi luôn. Đi mót lúa cậu nói “có phải mày đổi lấy cái của mày có được bao lúa này không”. Cậu nghĩ đúng. Người như mợ bước ra đường đàn ông họ đang có cái gì sẵn sàng dâng hết cái đó. Mợ chỉ biết ra cái vườn tạp sau nhà quét lá ung lấy tro. Mợ Thị bán tro mua gạo… Cậu Thị cũng ăn miếng cơm nồng mùi tro nhưng cậu rất ghét tro. Mấy lúc muốn bán tro phải đợi cậu không có ở nhà. Chớ đong tro bụi bay mịt trời cậu chửi tắt… bụi.
Mợ không sợ bụi, mê tro. Có khi mợ đứng bên mấy gốc cây tạp nhìn tàn lá xanh um, ước tụi nó rụng nhiều nhiều… Rồi tự nhiên thấy mình dã man quá. Mình đã đốt rụi bao nhiêu xác lá?
Đĩnh thấy mình có tội. Nếu nhà Đĩnh trồng còng thì mợ có cái để đốt. Lá còng dầy, cháy tốt nhiều tro. Đằng này nhà Đĩnh trồng toàn gòn. Mà gòn mới đâm tượt được vài thước, lá còn xanh um đã bị Đĩnh đốn, phơi khô xay bột, bán cho bè cá, bán cho xưởng làm nhang. Nhìn cái vườn gòn không có miếng lá rụng, Đĩnh thấy mình vi phú bất nhân.
Bên nhà Đĩnh không có cái gì để mợ Thị có thể gom rồi đốt. Vì má anh cũng thức hồi ba giờ quét sàn sạt, gom gọn ung khói mù trời. Khói đuổi muỗi cho heo, cho gà, cho người. Mùa lạnh còn có thể ngồi quanh đống ung hơ lửa, kể chuyện xưa. Mấy cô gái muốn dễ lấy chồng phải biết quét sân, quét sàn ung lá. Má Đĩnh đã có thói quen này từ hồi mới về làm dâu. Cho nên nhà Đĩnh trước sau không có một cái lá.
Mỗi lần phơi lá gòn Đĩnh luôn tự hỏi mấy cái lá này đốt có nhiều tro không? Lúc cầm thau trút bột gòn vô bao Đĩnh nghĩ cũng là bột lá, sao bột này màu xanh, không bụi, bột tro bụi  bay đầy đầu. Mợ Thị mỗi ngày sàng vài chục đống tro. Tro bu đầy hàng mày, hàng mi mướt xanh của mợ. Mắt xanh mi bạc. Không làm mợ già đi, xấu đi, chỉ thấy ngộ. Như là khói giăng mặt hồ. Ai rớt vô đó cũng ngập ngụa mà không hề biết là mình đang ngập ngụa. Hồi năm mợ hai mươi lăm đã có ba đứa con rồi mà mấy anh chàng đi mua tro lần nào tới xứ này cũng ghé hỏi có tro không? Có khi mới bán hai bữa trước bữa sau đã ghé lại hỏi. Mợ nói tro này có người mua rồi. Mợ bắt mối mấy người phụ nữ dù cái thúng họ lớn gấp đôi cái thúng phơi lúa nhà mợ.
Như vậy mới yên thân. Ví dụ thấy một ai đó dòm ngó mợ, cậu hỏi “mày nhìn nó kiểu gì nên nó mới vậy. Đàn bà thiếu gì sao tụi nó xúm dê mày”. Đĩnh thấy mợ hình như cũng đâu có sợ cậu. Chẳng qua mợ không muốn nghe một lời tán tỉnh nào nữa hết. Nghe  có thấy vui gì đâu. Tối ngày mợ chỉ lủi thủi với đám tro. Nói chuyện với đống ung. Hơi thở đã mặn mùi tro. Khi vướng vấp đâu đó trong cổ khạc ra cũng chỉ thấy tro.
Mà Đĩnh biết hai thứ bột gòn và bột tro nó giống nhau. Nếu đem đổ xuống đất mười ngày sau chúng thành đất hết. Bột gòn nhà Đĩnh vô bao che chắn kỹ. Mợ Thị không có nhiều bao, không có tấm ni-lông lớn. Nhà mợ tro để đầy cặp bên hông, trước nhà sau nhà đều có tro. Chỉ trừ dưới sàn nhà cậu Thị cất chuồng gà. Mợ chỉ được chui xuống đó quét cứt gà hoặc là lấy tro rãi đuổi đám mạc mẹ, mạc con chớ không được vựa tro chỗ đó. Mùa mưa mợ lấy lá chuối lợp nhiều lớp. Khi bán, một lớp dầy dưới đáy bị ướt không ai mua hoặc là nó đã bị mục thành đất. Như mồ hôi mợ về với đất.
Đĩnh lén má lấy mấy cái bao cũ đem bỏ ra hè, chỗ mợ quét lá. Mợ quét tránh mấy cái bao. Đốt cũng tránh mấy cái bao. Đĩnh tự hỏi vì cái gì mợ không lượm mấy cái bao hốt tro. Vậy thì thôi mợ lùa  tụi nó vô đống ung đốt phức cho rồi. Má Đĩnh cằn nhằn.
- Thằng hủy của. Bao tao còn lành bon mà đem giục.
Đĩnh đốn sát gốc một đám gòn, còn đang tiếp tục đốn nữa. Má chạy tới giựt cây dao.
- Thằng trời đánh,mày đốn hết đám gòn rồi lấy lá đâu xay.
- Con trồng còng.
- Trồng còng chi?
- Cho nó rụng lá…
Tới đây thì má của Đĩnh đã hiểu.
- Mày vô đốt nhà, thảy tao vô đó luôn cho nó nhiều tro.
Đĩnh quay lui, vác rựa vô nhà. Đi qua mấy đống ung nhà mợ Thị, Đĩnh ao ước mình trở về thời con nít. Mùa nước giựt mạnh gió bấc thổi già, cái lạnh cũng đặc sệt như có thể đông cứng con người. Mấy người mạnh giỏi đi cắt lúa sạ. Người già con nít ở nhà ngồi quây bên những đống ung, vừa ấm vừa tránh được muỗi. Đĩnh hình như thấy mình thành người lớn  là nhờ những đống ung. Trong xóm có một người đọc truyện Tàu rất nhiều kể cho con nít nghe mỗi ngày một khúc như người ta chiếu phim nhiều tập. Đĩnh với mấy đứa cùng cỡ  đêm nằm ngủ trông cho mau sáng đặng tới đống ung nghe chuyện. Ông kể Kiều Phong trượng nghĩa chung tình. Thái tử Sĩ Đạt Đa ngộ ra con đường bất tử, thoát kiếp luân hồi. Đĩnh đã hết con nít rồi nhưng sao thèm mấy chuyện củ rích. Thương Kiều Phong mất người yêu muốn chảy nước mắt.
Má Đĩnh thấy mặt anh buồn buồn bà dọ tới dọ lui kiếm mấy cô gái ở xóm trên xóm dưới.
- Má đừng có dọ nữa. Con không lấy vợ đâu.
- Mày tính ở vậy báo tao tới già hả thằng chết bầm
- Con sợ mình có vợ không lo được cho người ta, để người ta khóc thầm.
Đĩnh sợ nghe tiếng khóc thầm của phụ nữ rồi. Sao mà nghe được. Khó nghe lắm. Nhưng mà đã nghe rồi thì vô phương quên. Đó là những tiếng khóc làm không gian đứt gãy. Trở mình nghe ruột gan lăn rổn rảng. Má lắc đầu.
- Trời ơi, con ơi là con. Đã người ta khóc thầm rồi mà mày còn lén nghe làm chi cho nặng lòng nặng dạ không biết.
Mấy ngày sau mợ Thị chặt tre gai về cắm hàng rào. Cậu Thị  hỏi mầy có khùng không? Ở đây người ta cất nhà còn không làm cửa, mày làm hàng rào không giống ai hết.
Mợ nói không làm rào ăn trộm nó lấy hết mấy đống tro của tôi. Ăn trộm sát bên vách nhà nè. Cậu Thị tán mợ cái bốp. Mày muốn tao phải đội rượu đi lạy bà con à.
Cái hủ nước mắm để bên hè bữa đó không biết ai múc hết, chế đầy nước thúi um. Mợ nói hồi hôm thấy ăn trộm nó leo qua rào, múc hết nước mắm, đổ nước cho đầy hủ. Mà thằng trộm đó quen lắm. Cậu Thị lại tán mợ cái bốp “đồ ba trợn”.
Má hỏi mày có nghe gì không. Đĩnh cười. Tiếng khóc thầm còn nghe nữa mà. Má làm như do Đĩnh mà mợ Thị bị mấy cái tán đó. Mà hình như Đĩnh cũng thấy đau đau như là chính tay Đĩnh đánh mợ. Đĩnh xòe bàn tay mình ra. Những ngón tay rất thô. Mấy lúc ngồi bên đây nhìn cậu Thị tắm cho gà, Đĩnh cũng thấy những ngón tay cậu Thị kệch cợm như vầy. Anh tán nguyên bàn tay lên mặt mình. Đau tối tăm mày mặt. Anh ngồi gục đầu bên vách nhà.
Đĩnh không dám nhóng mắt qua rào nữa. Mỗi lần muốn nói gì đó cậu không còn nói lớn tiếng. Anh cũng không dám để tai nghe coi bên đó họ đang làm gì.
Đối với mợ Thị, Đĩnh thật sự xa lánh. Anh có chiếc xuồng được bảo dưỡng, khóa lòi tói rất kỹ lưỡng. Người khác bệnh anh sẵn sàng lấy xuồng đưa đi nhà thương. Bữa đó mợ Thị bị xỉu, anh ngồi trước hàng ba xước mía tỉnh khô. Ai năn nỉ cũng lắc đầu, “đưa bệnh nhân tâm thần đi xui lắm.” Bà má phải lục trong túi anh kiếm chìa khóa.
Mợ Thị có thai nữa rồi. Thiệt khổ.  Nó hành mợ oằn oại. Sắc diện mợ chỉ còn phân nửa hồi trước.
Cậu Thị không hay vụ mợ xỉu cũng không hay chuyện thai nghén. Một bữa đá gà thua về ghé nhà người bạn nhậu con gà xác.  Xế chiều tới nhà biểu mợ dọn cơm. Mợ đang tắm cho thằng Quệnh ở nhà dưới nói chờ mặc đồ cho thằng nhỏ xong cái đã, không thôi nó lạnh. Cậu đón ngay cầu thang nhìn mợ ghìm ghìm. “Bữa nay mày lý sự với tao hả”. Cậu đá một cái mợ rớt từ sàn nước xuống đất. Cậu Thị bỏ mợ đó, đi kiếm người nhậu tiếp.
Mợ nằm oằn oại giữa vũng trịn trên sàn nước. Bụng cấn vô mấy cục đá kê chỗ lầy. Bụng đau làm mợ không nhúc nhích nổi.
Đĩnh từ nhà bếp của mình phóng thẳng xuống đất, đạp lên rào quỳ xuống đỡ mợ lên.
- Mợ. Tôi không để mợ sống kiểu vầy nữa đâu. Lâu nay tôi nín nhịn lắm rồi. Tôi sẽ đưa mợ đi.
- Dính gì tới Đĩnh mà nói là nhịn. Đi chỗ khác. Tôi không có đi với Đĩnh đâu đừng có nghĩ khùng . Qua đây làm gì, tôi đã rào rồi không thấy sao?
- Một trăm cái hàng rào này tôi cũng đạp. Tôi biết mợ không ghét tôi mà. Tôi sẽ đưa mợ đi nơi nào mợ muốn.
- Dang ra.
Mợ Thị đẩy Đĩnh ra rồi gượng đứng dậy. Nhưng nửa chừng mợ nhăn mặt quỵ xuống. Đĩnh bồng gọn mợ lên chạy re xuống xuồng. Má Đĩnh chạy theo kéo áo Đĩnh lại. Nhưng ngẫm nghĩ một hồi bà thở dài buông áo Đĩnh ra.
Đĩnh bơi xuồng đi có cảm giác mình không muốn ghé đâu hết.
- Đĩnh nên để mợ chết ở nhà. Mợ đã đi một lần, cả đời ngóc đầu không được. Giờ mợ đi nữa mấy đứa nhỏ cũng bị tiếng xấu lây.
- Tôi sẽ đưa mấy đứa nhỏ đi. Tôi có thể nuôi mợ, nuôi ba đứa năm đứa cũng được. Mợ có thể nấu bún, đốt lá sàng tro hay là làm bất cứ việc gì mợ thích. Nhưng tôi không để mợ khóc thầm.
- Đĩnh nghe được tiếng khóc thầm nhưng Đĩnh không biết vì sao mợ khóc đâu.
- Biết chớ. Vì tủi phận.
- Không
- Chớ sao mợ khóc.
- Vì mợ thương Đĩnh, thương cậu Thị.
- Thương sao khóc
- Hai người đều khổ như nhau.
Đĩnh thét lên.
- Nhưng tôi khác cậu.
Tôi sao mà giống cậu được. Tôi chỉ muốn giang thân che chắn cho mợ. Tôi không muốn nhìn thấy một cái nhíu mày. Một nét buồn phảng phất qua mặt mợ làm lòng tôi như sát muối. Sao mà giống cậu Thị được. Cậu Thị không phải đàn ông, cậu không phải là người. Giọng Đĩnh nghe rền hẳn lên.
-         Nhưng cậu thương mợ.
  Mợ đang ảo tưởng. Mợ đang thèm một gia đình hạnh phúc và người chồng thương yêu chiều chuộng vợ. Mợ sẽ có tất cả, xứng đáng để có tất cả. Những điều đó mãi mãi không phải từ cậu.
Mợ không cãi nữa, nằm im rên nhè nhẹ. Rên như vậy là đang rất đau. Đĩnh biết mấy lần đau đẻ mợ chỉ nhăn mặt, cắn răng, chớ không rên. Bà mụ phải kêu mợ la lên đi chớ cắn răng, chừng già hàm răng đau nhức lắm. Đĩnh đưa mợ lên trạm xá.
Mợ đã ngủ, Đĩnh ra chợ mua cho mợ thêm mấy tên thuốc, một cái khăn lau mặt, vài bộ đồ. Khi anh về trạm xá mợ đã đi mất. Đĩnh chạy theo. Mợ đã về tới nhà. Người ta nói thấy mợ đi, mặt như sắp lã đi. Ai giúp mợ cũng lắc đầu. Mợ bườn về tới nhà mình, gục bên cầu thang. Mấy đứa nhỏ còn đâu đó trong xóm. Cậu Thị còn say nằm ngáy trên chõng. Mợ nằm đó một mình.
Nhà trước nhà sau lá rụng xao xác. Lá nhiều kìa mợ, ngồi dậy mà gom lá đi mợ…
Người ta làm đám tang cho mợ. Cậu Thị vác chổi ra hè quét lá, thành đống, thành đống, nổi lửa đốt. Tro cậu không sàng mà hốt rãi lung tung. Có bữa cậu hốt nhằm tro nóng, phỏng lốm đốm. Mấy đứa nhỏ phải đem ống quẹt giấu biệt. Người ta nói cậu quá si mê mợ nên ghen. Mà ghen nên ngu. Giờ thì không còn gì để hối hận.
Suốt đám tang mợ Thị, Đĩnh nhăn nhăn như gặp bài toán khó, không dứt ra được.
- Má! Người vợ tốt như vậy mà bị ghen là sao hả má.
Đĩnh nói như là anh rất tỉnh, như một người ngoài cuộc vậy. Nhưng bà má nhìn thấy mặt anh đã bắt đầu có nếp nhăn dù anh mới chớm hai mươi.
- Con còn ngoài cuộc thấy vậy đó. Thử vô vòng với mợ, con không lo lắng ghen tuông thì con không phải đàn ông rồi. Cái đẹp của mợ dễ làm người đàn ông lú lẫn.
Đĩnh rải lá gòn ra sân phơi. Cậu phải xay nhiều lá gòn vì mấy đứa nhỏ của mợ Thị cần phải ăn cơm. Mỗi lần nhìn đám lá xơ xác dưới nắng Đĩnh cười khặc khặc. Mình có ghen miếng nào đâu mà cũng ngu. Cứ hỏi tới hỏi lui, tại sao họ đối đãi nhau xám ngắt như cái màu lá khô này lại nói là thương nhau. Tình yêu nó chen lọt chỗ nào. Mà rõ ràng đám lá khô này xay ra lại có màu xanh. Màu xanh ở đâu ra. Cái thứ lá kỳ cục quá ta. Phải xây nhừ ra, nát bấy hết mới biết thật ra nó như thế nào…
______________
“Người đàn bà đa tình” được nhà văn Nguyễn Ngọc Tư – thành viên của ban giám khảo – nhận xét “câu văn ngắn, sắc ngọn như những nhát dao… Trần trụi, bạo liệt mà lại sâu lắng, trữ tình…”.
Tác giả Võ Diệu Thanh chia sẻ: chị tham gia cuộc thi này một cách tình cờ ngẫu nhiên nhưng đầy cảm xúc. Chị cũng bày tỏ sự thú vị trước sự trẻ trung và hồn nhiên của các thành viên trên mạng xã hội YuMe khi đón nhận các tác phẩm tham gia cuộc thi
Cuộc thi truyện ngắn YuMe 2011 của mạng thông tin YuMe là cuộc thi đầu tiên về văn học mạng ở Việt Nam, diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-7-2011. Cuộc thi đã nhận được 2.261 tác phẩm của hơn 1.000 tác giả tham gia, trong đó có một số gương mặt trẻ quen thuộc như Hồ Huy Sơn, Phạm Trung Kiên, Lê Thùy Vân, Ling Keng…
Thành phần ban giám khảo của cuộc thi có nhà văn – dịch giả Lý Lan, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà thơ- nhà báo Lê Mình Quốc.
Đây cũng là cuộc thi được YuMe duy trì thành giải thưởng văn học mạng thường niên. Ban tổ chức cuộc thi, trong dịp này cũng đã phát hành cuốn sách “Thành phố không mặt người” bao gồm 30 truyện ngắn lọt vào chung kết của cuộc thi.
Võ Diệu Thanh sinh năm 1975 tại Châu Phong, Tân Châu, An Giang. Chị hiện đang là giáo viên dạy mỹ thuật Trường tiểu học C Chợ Vàm, Phụ Tâm, An Giang. Chị đã giành được giải nhì trong cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 4 với tập truyện ngắn Cô con gái ngỗ ngược. Tác phẩm này của chị được đánh giá là “lấp lánh cái nguyên sơ thuần chất” nhưng cũng rất “cuốn hút, bất ngờ, thú vị”. DANH SÁCH NHỮNG TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI TRUYỆN NGẮN YUME 2011:
Giải nhất:
Người đàn bà đa tình – Võ Diệu Thanh
Giải nhì:
Gió lạc mùa – Ngô Tiến Minh;
Thế giới vịt cồ – Đặng Thanh Trường
Giải ba:
Giấc mơ về một con chuột mang khuôn mặt người – Hồ Huy Sơn;
Làng – Ngô Thị Trang;Ngách vắng xôn xao – Phan Thị Kim Thảo
Giải khuyến khích: Chiếc xì-líp màu đỏ – Phạm Trung Kiên;
Giấc mơ vượt đỉnh Mí Roòng – Phạm Tử Văn;
Người vỗ tay thuê – Nguyễn Khôi Nguyên;
Nhoẻn miệng và …cười – Nguyễn Thị Anh Đào;
Xác chữ – Phạm Long Hà
Giải tác phẩm được yêu thích nhất từ các thành viên trên Yume: Tường lam – Lâm Thiện Tâm

Nguồn http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Tìm lại 'nét xưa' phố Huế


Ảnh minh họa internet
Phố Huế dài 1.166m, đi từ phố Hàm Long đến Đại Cồ Việt. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, đây nguyên cũng là một đọan của con đường thiên lý xưa, nối kinh thành Thăng Long với các trấn, tỉnh ở phía Nam.

Theo cuốn Phố và Đường Hà Nội của tác giả Nguyễn Vinh Phúc, so với hình thế các làng mạc xưa (tính đến đầu thế kỷ 19), phố Huế chạy qua phần đất của các thôn: Phục Cổ, Giáo Phường, Đông Hạ, Yên Thọ thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Tới khoảng giữa thế ký 19, thôn Đông Hạ hợp với thôn Sài Tân, Cấm Chỉ thành thôn Đông Tân, còn Yên Thọ thì đổi ra là Yên Nhất, do hợp với thôn Thống Nhất.

Một góc Hà Nội xưa.
Vết tích các thôn, phường này là những đình đền mà tới nay vẫn còn tồn tại: đình Phục Cổ hiện là nhà số 14 phố Nguyễn Du; đình Giáo Phường là số nhà 83B phố Huế; đình Đông Hạ là số nhà 133 phố Huế (đền của làng này là số 28 ngõ Huế) và đình Yên Nhất là số nhà 260 phố Huế.

Phường Phục Cổ được sử sách nhắc tới vào năm 1371. Đó là năm quân Chiêm Thành, khoảng tháng 3 nhuận, tiến đánh thành ThănLong. Toàn thưghi: “Du binh của địch đến bến Thái Tổ, nay là phường Phục Cổ (nay là thế kỷ 15, thời gian đoạn sách). Như vậy, cho đến cuối thế kỷ 14, sông Hồng chưa lùi về phía Đông như ngày nay.

Còn thôn Giáo Phường, sở dĩ có tên gọi như vậy là vì đây chính là nơi cư trú của những người làm ngheè ca xướng thủa xưa. Tương truyền vào đầu đời Lê (thế ký 15) có họ Đào từ Thanh Hóa ra sinh sống ở đây. Họ vừa chuyên dạy ca hát đàn phách, vừa tổ chức ra những đoàn chuyên nghiệp đi diễn trò, hát múa phục vụ các hội hè, đình đám. Những đoàn này gọi chung là "Giáo Phường". Đình Giáo Phường ngày nay đã trở thành nhà ở, chỉ còn một cái cổng trên đề 3 chữ: “Giáo Phường từ”…

Đường 1A đoạn qua đèo Hải Vân - nhắc về con đường thiên lý xưa. Ảnh minh họa

Đình làng Đông Hạ được bảo vệ tương đối tốt - đó là nơi thờ thần Cao Sơn. Trong thần phả đình này có một câu rất đáng chú ý gợi ý về địa lý Hà Nội cổ như sau: “Thượng tự Đông Hạ, hạ chí Trung Chí, giai Búa Cái phường”. Nghĩa là: trên từ Đông Hạ, dưới đến Trung Chí đều là phường Búa Cái.

Trung Chí nay vẫn là một làng mé dưới Lương Yên và như vậy có thể suy ra rằng, một phường ở thời Lý Trần thì đến thời Lê Nguyễn đã  bị chia ra thành nhiều phường thôn nhỏ. Còn như đình Yên Nhất thì thờ một anh hùng chống giặc ngoại xâm, chưa biết tên thật là gì, chỉ biết duệ hiệu là Phạm Phụ Quốc. Trong đó Phụ Quốc có nghĩa là giúp nước, còn Phạm được cho là Phạm Cự Lạng, danh tướng của vua Lê Đại Hành.

Cuối cùng phố Huế chấm dứt ở ở Ô Cầu Dền. Đây là một cửa ô mở qua tường tòa thành đất vòng giữa bao bọc phần dông dân cư của Thăng Long xưa. So với bản đồ Hà Nội năm 1931, thì cửa ô này có tên là ô Yên Ninh. Song dân chúng chỉ gọi là ô Cầu Dền. Và Cửa Ô này đã đi vào lịch sử từ thế kỷ 16. Sử cũ chép rằng, tháng 6 năm Nhâm Thìn (1592), Trịnh Tùng sai Trịnh Đồng và Hoàng Đình Ái đưa 1 vạn quân đánh cửa Cầu Dền để tiến vào Thăng Lăng (lúc này do nhà Mạc chiếm giữ). Mạc Mậu Hợp sai Nguyễn Quyện, Bùi Văn KHuê… đem quân tới chống lại… Trận  đánh diễn ra từ giờ Tỵ đến giờ Mùi (tức 9h cho đến 14h) thì quân Trịnh thắng.

Ngày nay, phố Huế trở thành một trong những con phố nổi tiếng và sầm uất vào bậc nhất của Hà thành và những ai đến Thủ đô cũng muốn ghé thăm vàkhám phá lối sống phong lưu bậc nhất của người Hà Nội qua chợ Hôm Đức Viên.
Nguồn: Baodatviet

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

A di đà… dột !


03.09.2011 14:48
Thay một viên gạch ở Chùa Một Cột cũng phải xin ý kiến cấp trên. Nhà chùa đã gửi đơn xin rồi nhưng vẫn phải chờ. Thế nên vẫn a di đà... dột!
Nửa đêm Mũm Mĩm mở mắt, bỗng nghe tiếng ngâm thơ của Ngu Ngơ. Quái lạ, Ngu Ngơ vốn ghét thơ lắm, nghe đến thơ là giật nảy mình như nghe beo kêu hổ gầm, sao hôm nay lại nổi hâm đêm hôm khuya khoắt ra đây ngâm nga thơ phú. Mũm Mĩm vùng dậy, rón rén đi ra, đứng nép góc tường nhìn ra ban công. Ngu Ngơ chắp tay trước  ngực, đi đi lại lại, ngâm nga:
Đêm thu chùa thoảng tiếng chuông tàn
Phong đỏ, trăng ngời, sóng nguyệt lan
In ngược hình chim, gương nước lạnh
Sẫm đôi bóng tháp, ngón tiên hàn.
Muôn duyên chẳng vướng: xa trần tục
Một mảy nào lo: rộng nhãn quan
Thấu hiểu thị phi đều thế cả
Dầu ma dầu Phật, chốn nào hơn?
Chùa Một Cột cứ mưa là dột. Ảnh Xuân Hoàng

Mũm Mĩm nhảy ra cười he he he, nói té ra Ngu ngơ nổi cơn hâm ngâm thơ hay phết. Ngu Ngơ giật mình quay lại, mắt trợn tay xua, nói thiện tai thiện tai! Mũm Mĩm mắt tròn mắt dẹt, nói anh sao thế, cứ như ông sư trụ trì nhà chùa vậy? Ngu Ngơ chắp tay cung kính, nói đó là bài thơ Diên Hựu tự của sư Huyền Quang, không phải thơ của bần tăng. Mũm Mĩm cười rũ, nói điên ơi là điên, hâm ơi là hâm, bần tăng nào ông Ngu Ngơ ơi là ông Ngu Ngơ ơi.
Ngu Ngơ vẫn tỉnh bơ, tay vái miệng lầm bầm, nói bần tăng trụ trì Chùa Một Cột đã hơn nửa thế kỉ, du khách vãn chùa cả mấy chục triệu lượt, ai cũng ngưỡng mộ kiến trúc độc nhất vô nhị của ngôi chùa. Bần tăng vô cùng tự hào và cảm động. Bảo rằng Chùa Một Cột là biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn vật quả không sai, tự hào lắm tự hào lắm.
Mũm Mĩm há hốc mồm, nói thôi chết rồi, chồng tôi tẩu hỏa nhập ma rồi, khi không lại nhận mình là trụ  trì Chùa Một Cột.  Tỉnh lại đi tỉnh lại đi Ngu Ngơ ơi, em sợ lắm rồi. Ngu Ngơ đứng im, sắc mặt không đổi, tay bắt quyết, mặt ngửa lên trời, nói mô Phật, mô… dột! Mũm Mĩm sợ toát mồ hôi, nói anh nói gì thế Ngu Ngơ ơi, sao lại mô Phật sao lại mô dột.
Ngu Ngơ bỗng ôm Mũm Mĩm kêu lên, nói anh không điên đâu, anh muốn hóa thân sư trụ trì Chùa Một Cột để cảm nhận được nỗi đau của cụ. Chùa Một Cột đang xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi khi có mưa, mái dột nước chảy lênh láng, ướt nền ướt cột ướt tượng…Sư trụ trì phải lấy nón mà hứng nước mưa, đau khổ vô cùng.
Mũm Mĩm kêu to, nói sao lại có chuyện đó được? Vừa mới tu bổ nhân dịp Đại lễ nghìn năm, sao lại dột nát thê thảm như thế hả. Ngu Ngơ thở dài, nói em cứ đi một vòng mà xem, Chùa Một Cột bị dột là may. Mũm Mĩm nhảy chồm chồm, nói nhưng vô lẽ thay mấy viên ngói cũng khó khăn thế a? Ngu Ngơ nói khó lắm khó lắm, người ta bảo di tích này nằm trong quần thể di tích Hồ Chí Minh, thay một viên gạch cũng phải xin ý kiến cấp trên. Nhà chùa đã gửi đơn xin rồi, nhưng hãy còn chờ.
Mũm Mĩm dậm chân, nói mấy viên ngói cũng phải chờ a? Ngu Ngơ chắp tay lầm bầm, nói a di đà … dột. Bần tăng đã đệ đơn xin, Ban quản lý nói chờ, họ phải họp bàn. Ban quản lý họp bàn xong rồi phải chờ Cục di sản họp bàn. Cục di sản họp bàn xong rồi phải chờ Ủy ban thành phố họp bàn, Ủy ban Thành phố họp bàn xong rồi phải chờ Bộ văn hóa họp bàn…A di đà… họp.
Bắt một con rùa lên bờ cũng phải họp bàn ba tháng, thay mấy viên ngói cầm chắc phải chờ họp bàn nửa năm may ra mới có.
A di đà… dột! A di đà… họp! Hu hu.
Nguyễn Quang Lập
Theo: bee.net