trang

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2019

Chợ ....Sài gòn


Trong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang đứng, mọi người đang ngồi và món ăn


Không ai có thể nói hết Sài Gòn có bao nhiêu cái chợ, cũng như không ai có thể nói hết tấm lòng người Sài Gòn, đôi khi bạn đi chợ không phải để mua bán gì, đôi khi chỉ là để được nghe một câu nói: “Nè cưng, lâu quá không thấy ghé”, đi đến đâu ở Việt Nam thì chỗ đầu tiên bạn được khuyên nên đến thăm chính là cái chợ.

Ở đó có những thứ bạn cần cho một chỗ ở mới, có các sản vật từ thiên nhiên đến nhân tạo và hơn hết thảy, ở đó đặc sệt một thứ văn hóa vùng miền... cho dù bạn có thích hay không thì bạn cũng phải ít nhiều hít thở với nó, chia sẻ và gắn bó với bầu không khí ấy, không ai có thể nói hết Sài Gòn có bao nhiêu cái chợ, ý tôi là chợ chính thức được bản đồ ghi nhận chứ không kể các chợ chồm hổm, chợ chiều, chợ chạy, chợ chìm, chợ đen, chợ… búa.


Sài Gòn nhiều chợ kinh khủng, từ lớn lớn như chợ Lớn, chợ Bến Thành, chợ An Đông đến nho nhỏ như cái chợ phường, chợ xóm, từ chợ bán buôn từng mặt hàng riêng biệt như chợ vải, chợ cá, chợ rau, chợ hóa chất, chợ phụ tùng… đến những cái chợ bán hầm bà lằng xắng cấu như chợ nhỏ, chợ dân sinh..

Dù là chợ gì thì luôn đậm đặc không khí của một Sài Gòn, năng động, tình cảm và phóng khoáng.Người ta lo ngại cho số phận những cái chợ một khi hệ thống siêu thị bán lẻ tràn ngập khắp thành phố, các siêu thị càng ngày càng lớn, hàng hóa đa dạng, dịch vụ hoàn hảo và rất nhiều tiện ích khác.

Nhưng chợ vẫn còn đó, dù vẫn nóng, vẫn dơ, vẫn ồn áo và náo nhiệt, nhưng vẫn không ít khách hơn là mấy, có lẽ vì người ta đi chợ đôi khi không phải để mua hàng, người ta đi chợ như đi thăm người quen vậy, ở đó luôn có thứ tình cảm mà ở siêu thị không có, có lẽ vì người ta đi chợ không phải vì giá ở chợ rẻ hơn, người ta đi chợ để được gặp nhau, được nghe, được nói, được chào hỏi…

Ở Sài Gòn, khi vô trong chợ bạn được coi như người nhà, người ta kêu bạn bằng đủ thứ tên hoặc đại từ nhân xưng. Nếu bạn còn trẻ, bạn thường được gọi là “cưng”, “con”, “em gái”, “chế” hoặc kêu những cái tên do người ta đặt ra như “chị Hai, cô Ba”... Còn nếu lớn tuổi bạn có thể được gọi là “má”, “ngoại” hay “gì Hai, thím Hai” rồi xưng con ngọt xớt.

Ở Sài Gòn, khi đi chợ bạn luôn nhận được những tiếng mời chào dễ thương đến nỗi cho dù có đủ gan từ chối bạn cũng không thể không mỉm cười cảm ơn: “Nè cưng, ngồi xuống ăn ly chè mát đi”, hay: “Má ơi, vô đây con thử đôi guốc này coi vừa chân không má, không mua cũng được”…Nếu là đàn ông đi chợ với vợ thì bạn cũng được chào mời dù biết bạn chẳng mua gì: “Em trai ngồi ghế chơi đi để chị chọn đồ cho bà xã hen, uống café không để chị kêu”.

Nếu vô coi hàng rồi mà không ưng ý thì cũng đừng ra mặt kẻo người bán họ buồn, nếu không ưng thì cứ cảm ơn rồi đi, bạn sẽ vẫn nhận được nụ cười tươi như khi bạn đến: “Bữa khác ghé lại nghen mấy cưng”.Ở Sài Gòn đi chợ phải ăn mới đúng điệu, chợ nào cũng có hàng ăn, ngay trong chợ hoặc phía sau, bên hông, hoặc giả đâu đó mà bạn không cần biết.

Hàng quán đôi khi xập xệ và tạm bợ lại còn trông hơi mất vệ sinh vậy chớ ăn ngon lắm, đồ ăn nóng hổi và đầy đủ gia vị.

Thường mỗi hàng một món, có chỗ chuyên bán nước, có chỗ chỉ bán đồ ăn sẵn, nhưng đừng ngại, bạn có thể ngồi ở hàng phở mà kêu tô bún bò cũng có người bưng tới, có thể ngồi ở hàng café mà kêu cơm tấm cũng được phục vụ vui vẻ, cũng có chỗ thì thì bạn có thể uống trà đá miễn phí, đến đã khát thì thôi.

Có lần tôi đi ngang một chỗ bán quần áo ở chợ Bến Thành, thấy chị bán hàng đang ăn bún riêu, tôi buột miệng nói: “nhìn ngon quá”, chị ngước mặt đầy mồ hôi nhìn tôi sởi lởi: “ngon dữ, ăn không, ngồi đây đi em trai, chị kêu vô cho, một phút có liền, ăn đi chị bao mà”.

Từ đó tôi là khách của bà bán bún riêu chợ Bến Thành, lần nào ghé cũng 2 tô đúp, tôi có thể nói ai đi chợ Bến Thành mà chưa ăn bún riêu của bả thì coi như chưa biết chợ Bến Thành vậy.

Đi chợ ở Sài Gòn cảm giác lạ lắm, người bán luôn tìm cách làm vừa lòng bạn như không hề vụ lợi, ở chợ bạn được coi như thân tình, như bà con, như bạn bè, bạn có thể trao đổi với người bán về chuyện học của con bạn hay chuyện ông hàng xóm khó chịu của bạn, bạn luôn được lắng nghe và chia sẻ, bạn luôn được động viên và giúp đỡ rất chân tình.

Nếu bạn đang ở hàng quần áo và sực nhớ là muốn tìm một bộ chén thì người bán quần áo sẽ dẫn bạn tới chỗ bán sành sứ và giới thiệu rằng bạn là anh/chị/em/bà cô/ bà dì của họ…rằng bạn phải được mua giá sỉ, rằng bạn là VIP… bạn nghĩ tất cả chỉ là hình thức ư, không hề, thiệt tình đó bạn và bạn không bao giờ cảm thấy phiền vì điều đó, cho dù có mua phải một món hàng bị hớ giá hoặc tìm không ra món đồ mình thích.

Bạn sẽ luôn nhận được những món quà bất ngờ cho dù bạn không đòi hỏi, mua chục trái cây được mười lăm, mười sáu trái, mua hai cái áo tặng thêm cái nón, mua có cái bóp được đãi ly cafe... không phải hàng khuyến mãi đâu bạn, đó là tấm lòng, hãy nhận bằng cả tấm lòng.

Có lần tôi mua một sợi dây nịt với giá 200 ngàn, khi đi một vòng tôi phát hiện cũng sợi dây nịt đó được bán chỗ khác với giá 120 ngàn, tôi quay lại cười với gã bán: Nè anh, sợi dây này bên kia bán có trăm hai, sao nãy anh bán tôi hai trăm? Gã cười xềnh xệch: Chắc em lộn giá, thôi để em đền anh cái bóp xịn hen, bóp này hàng hiệu luôn, giá tới năm trăm đó. Tôi coi cái bóp thấy cũng ưng ý, dù biết tỏng nó chưa tới tám chục, cũng vui vẻ cầm.

Sau này mỗi lần ghé, gã đều nói, anh cứ đi một vòng, chỗ nào bán rẻ hơn em đền anh gấp đôi, còn bao anh café nữa, thiệt, nói vậy chớ tôi chẳng hỏi ai bao giờ, tôi tin gã.

Vợ chồng tôi trước có hay mua đồng hồ ở cổng chợ Bến Thành, mỗi lần một cặp. Sau này mỗi lần đi vô chợ là chị bán đồng hồ lại kêu lại, nói, thằng Hai, chị để dành cho tụi em cặp này bữa giờ, đẹp lắm, giá gốc luôn, hàng xịn đó.

Lần nào cũng một cặp nữa, riết không dám đi cổng chính, toàn quẹo vô chợ từ bên hông chợ, vì đi cổng chính thể nào cũng mua một cặp, không thể từ chối chị được.

Có lần chúng tôi đi du lịch, vợ tôi gặp một phụ nữ khác cũng đi với gia đình, cô bạn kia cũng chào tôi và tỏ ra mừng vui không xiết, thế là hai bên xúm lại, trò chuyện, giới thiệu chồng, con, gia đình rồi cùng ăn uống vui vẻ, tôi cứ nghĩ đó là một cô bạn thân của vợ tôi mà tôi chưa biết.

Sau khi chia tay nhau và cùng hẹn sẽ đi Thái Lan, tôi hỏi lại vợ xem bạn này là thế nào thì vợ cười ha hả, anh không nhớ hả, là nhỏ bán túi xách ở chợ Sài Gòn đó.…Không ai có thể nói hết Sài Gòn có bao nhiêu cái chợ.

Cũng như không ai có thể nói hết tấm lòng người Sài Gòn.

Đôi khi bạn đi chợ không phải để mua bán gì, đôi khi chỉ là để được nghe một câu nói: “Nè cưng, lâu quá không thấy ghé”.
Sưu tầm

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang cười, mọi người đang ăn, mọi người đang đứng và món ăn

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang ăn và món ăn

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, ô tô và ngoài trời

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang ăn, mọi người đang ngồi, mọi người đang đứng và món ăn

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, món ăn

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

Saigon Xưa - Địa danh tôi yêu




Ông Bà ta vốn đa số là nông dân nên nơi sanh chốn ở được thể hiện từ Ruộng Vườn như: Vườn Bầu, Vườn Bông, Vườn Cau, Vườn Chanh, Vườn Chuối, Vườn Dừa, Vườn Điều, Vườn Lài, Vườn Mít, Vườn Ngâu, Vườn Nhãn, Vườn Thơm, Vườn Trầu, Vườn Xoài,…hoặc từ Lò ở trước: Lò Bột, Lò Bún, Lò Chén, Lò Da, Lò Đúc, Lò Đường, Lò Gạch, Lò Gang, Lò Gốm, Lò Heo, Lò Lu, và Xóm: Xóm Bột, Xóm Bưng, Xóm Cải, Xóm Chiếu, Xóm Chùa, Xóm Cối, Xóm Củi, Xóm Dầu, Xóm Đình, Xóm Lụa, Xóm Mới, Xóm Quán, Xóm Than, Xóm Thuốc, Xóm Trại, Xóm Trĩ, Xóm Ve Chai,…

Về ngữ âm, tiếng Sài Gòn nói riêng Nam Bộ nói chung mang một số nhược điểm: lẫn lộn một số phụ âm đầu nên một số địa danh cũng ảnh hưởng, bị sai lạc về chánh tả, như trong ngã tư Hàng Xanh (cây sanh), khu Cây Da Xà (Da Sà), Giồng Ao (Vồng Ao), …Một số địa danh bị sai lạc về vần: Cát Lái (Các Lái), Gò Vấp (Gò Vắp - cây vắp là loại cây lớn và thân rắn chắc nên người Pháp dịch là bois de fer, ở đường Trương Định vẫn còn cây nầy), rạch Chung (Chun), Dần Xây (Giằng Xay), Lào Táo (Làu Táu), Thiền Liền (Thiềng Liềng)...
Sai lạc về thanh: Kinh Tẽ (Tẻ), rạch Xẽo Đơn (xẻo, Củ Chi). Sai lạc cả thanh và vần: khu Mả Lạng (Mả Loạn), sông Hào Võ (Hàu Vỏ).
Một số là tên cầm thú: như Chuồng Bò (chợ, quận 10), Trâu (rỏng, Củ Chi), Chuồng Chó (ngã năm, Gò Vấp - vốn là trường quân khuyển từ thời Pháp thuộc đến ngày 30-4-1975). Một số vốn là tên những con vật sanh sống từ thuở hoang sơ: Sấu (rạch, Cần Giờ), Trăn (rạch, Cần Giờ), Hố Bò (kinh, Củ Chi - bò rừng), Voi (rạch, Bình Thạnh), Chó Tru (ngã ba, Cần Giờ - chó sói), Bàu Nai (ấp, Hóc Môn), Hóc Hươu (rạch, Bình Chánh),…Tên các loại cá là đặc sản khá phong phú: Cá Bông (doi đất, Cần Giờ), Cá Lăng (vùng đất, Củ Chi), Cá Heo (rạch, Cần Giờ), Cá Tra (rạch, Nhà Bè), Cá Nháp (sông, Cần Giờ), Cá Nóc (rạch, Nhà Bè), Cá Vồ (rạch, Cần Giờ), Cá Úc (rạch, Nhà Bè), Cá Súc (rạch, Cần Giờ), .v.v..

Một số là tên cây cối như: Bàu Dứa, Gò Xoài, Giồng Đế,… Một số cây là đặc sản của Nam Bộ: Giồng Trôm (Cần Giờ), Cây Quéo , Cây Cám (rạch, quận Nhứt - lá cây có bụi trắng như cám heo), Cây Bướm (rạch, Nhà Bè), Cây Cui (tắt, Cần Giờ), Cây Sộp (ấp, Củ Chi), Cây Gầm (rạch Hóc Môn), Cây Lơn (chợ, quận 9), Cây Nhum (rạch, Củ Chi), Cây Tri (rạch, Bình Chánh), Cây Trường (ngã ba, Gò Vấp), Cây Ủ (bến sông, Củ Chi), Thai Thai (rạch, Củ Chi), Thiềng Liềng (rạch, Cần Giờ), Củ Chi (huyện - cây mã tiền),... Một số có nguồn gốc Khmer: Bến Lức (sông, Rôlưk), Rạch Chiếc (cầu, Cèk), Gò Vấp (quận, Kompắp).....
(Sưu tầm)

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

Nam Mô Di Bố Phù là gì?

Một anh hỏi ,nghe trong bài “Ra giêng anh cưới em” có những câu: “Ngộ kỳ thời, con kiến mới leo dây Nam mô di bố phù Hữu duyên mà thiên lý ngộ Nam mô di bố phù Gặp mặt nhau đây. chốn nầy hò hẹn thủy chung sắt son. Nam mô di bố phạ”


“Nam mô di bố phù” và “Nam mô di bố phạ”là gì?

 Đây là một lời giao duyên của đôi trai gái Nam Kỳ luc tỉnh xưa Chàng và nàng gặp nhau rất là tình cờ rồi nhớ nhau,đính ước nhau ra giêng sẽ cưới

 “Ngộ kỳ thời” là gì? Kỳ ngộ (奇遇) là gặp gỡ đặc biệt
 Thời (時)là lúc,thời gian
 Thư tịch xưa có “Duyên kỳ ngộ” là nó đây “Thiên duyên kỳ ngộ gặp chàng Khác nào như thể phượng hoàng gặp nhau

Tiện đây ăn một miếng trầu
Hỏi thăm quê quán ở đâu chăng là?
 Xin anh quá bước lại nhà
Trước là trò chuyện sau là nghỉ chân”
(Ca dao)

 Xin nhắc tới một bài nhạc tổ của đờn ca tài tử Nam Kỳ,bài “Duyên kỳ ngộ”
 “Ngộ kỳ thời”là chàng trai nói về thời điểm cái duyên khi gặp gỡ cô gái
 “Nam mô di bố phù” và “Nam mô di bố phạ”là gì?

 Nam mô là một câu “nguyện cầu” trong Phật giáo Di có 72 chữ -nghĩa khác nhau ,chữ di ở đây có nghĩa 彌 là tràn đầy

 Bố (布)là ban ra, cho khắp,Phật có chữ “bố thí” 布施 cho khắp, cho hết
 Phù (扶) là giúp đỡ.Phù hộ hay phò hộ độ trì là một thuật ngữ trong Phật “Nam mô di bố phù” và “Nam mô di bố phạ”như nhau,phù hay phạ là xuống âm theo nhạc

 Nguyên câu này là anh chàng “cua” được gái tâm đầu ý hợp,thành ra ảnh cảm tạ trời đất ,cầu xin được đem đến phúc lành cho hai người thương nhau

 “Nam mô di bố phù” là một câu Nho học,theo phái Nho gia của câu “Nam Mô A Di Đà Phật”(南 無 阿 彌 陀 佛)
 Nam Mô A Di Đà Phật là câu niệm trong tiếng Phạn : नमो अमित बुद्ध (Namo Amitàbha Buddha)

 Ý nghĩa của 6 chữ Nam Mô A Di Đà Phậtlà nghiêng mình thành kính đem thân tâm qui ngưỡng Đức Phật A Di Đà
 A Di Đà là một phái Phật có sau khi Phật Thích Ca qua đời ,nó xuất hiện khoảng đầu công nguyên. Tín ngưỡng Amitābha được phát triển cùng với thời kỳ đầu của Phật giáo Đại Thừa khi truyền giáo vào Trung Hoa nên thông dụng ở bên Đại Thừa. Chỉ vậy thôi.

 Nguồn Sưu tầm

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018

LANG THANG ĐƯỜNG TÔN ĐẢN

Lang thang đường Tôn Đản Ai chưa sống ở đường Tôn Đản, mỗi khi nghe nói tới hai chữ Tôn Đản liền nghĩ ngay tới “du đảng” hoặc đại ca Năm Cam, hoặc một vùng đất dữ dằn của các tay anh chị giang hồ bến tàu. Nói vậy không phải vậy, dù hơn nửa thế kỷ trước Năm Cam thành danh ngay đầu hẻm 148 đường Tôn Đản khi đâm chết tay du đảng cùng xóm tên Lót. Đường Tôn Đản còn có những cái đáng nhớ khác. Sau đây là chuyện kể về một con đường của một Quận nghèo nhất đất "Sài Thành hoa lệ". Thời gian trước và sau 1955, cách đây hơn nửa trăm năm, tức một phần hai thế kỷ,nên chuyện rất xa xưa, xưa như chuyện tình Mộng Cầm-Hàn Mặc Tử. Đường Tôn Đản là con đường chạy xuyên qua một vùng dân cư lao động của vùng Khánh Hội, Quận Tư, Sài Gòn. Đầu đường, nối với đường Trình Minh Thế tạo thành một ngả ba xe cộ lúc nào cũng đông đúc. Cuối đường, gặp đường Tôn Thất Thuyết chạy dọc theo Kinh Tẻ. Bên kia Kinh Tẻ là vùng Tân Qui Đông, thuộc quận Nhà Bè. Đường nầy thời Pháp thuộc có tên “Route de Cần Giuộc”, là một con đường đất ngoại ô Sài Gòn. Về sau được mở rộng, trải đá tráng nhựa phẳng phiu, Tây đặt lại tên đường Matelot Manuel, ban đêm hai hàng cột đèn khí cháy sáng choang, tỏ rõ cái văn minh của kẻ đi cướp nước. Khoảng năm 1956, 1957 không nhớ đích xác, chính quyền Việt Nam Cộng Hoà sau khi đã thu hồi chủ quyền quốc gia từ tay người Pháp, đặt lại tất cả tên đường trong đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn. Matelot Manuel đổi thành đườngTôn Đản từ đó. Bên các quận khác, mấy ông Tây ... như de Lattre de Tassigny, Bonard, Grimaud (rue Colonel-Grimaud), Jauréguiberry, Kitchener, Chanson (rue Général-Chanson) và nhiều nữa, được mời "xuống tàu về nước". Tôn Đản là ai? Đó là vị phó tướng của tướng quân Lý Thường Kiệt, đời vua Lý Nhân Tông (1072-1127). Tôn Đản tên thật Nùng Tông Đản, gọi tắt Tông Đản, người dân tộc Nùng. Vì kỵ húy tên vua Thiệu Trị là Miên Tông, nên sử triều Nguyễn viết thành Tôn Đản thay vì Tông Đản. “Năm Ất Mão (1075) Lý Thường Kiệt đem quân sang vây đánh Khâm Châu và Liêm Châu (thuộc tỉnh Quảng Đông). Đạo quân của Tôn Đản đánh Ung Châu (tức là thành Nam Ninh, thuộc tỉnh Quảng Tây), quan Đô Giám Quảng Tây là Trương Thủ Tiết đem binh lại cứu Ung Châu, bị Lý Thường Kiệt đón đánh ở Côn Lôn Quan (gần Nam Ninh) chém chết Trương Thủ Tiết ở trận tiền. Tôn Đản vây thành Ung Châu hơn 40 ngày, quan tri châu là Tô Đạm kiên cố giữ mãi. Đến khi quân nhà Lý hạ được thành, thì Tô Đạm bắt người nhà tất cả 36 người chết trước, rồi tự đốt mà chết”. Từ đầu ngả ba Tôn Đản-Trình Minh Thế (tức đường Jean Eudel cũ), dân nghèo Quận Tư đều biết đến hai tiệm cầm đồ bình dân, khách ra vô nườm nượp. Đầu đường bên tay phải là tiệm mang tên Huỳnh Thị Dậu, nghe tên cũng đoán biết đó là tên chủ nhân. Đầu đường bên tay trái có tiệm Hoà Thành, chiếm hai mặt tiền, một mặt tiền ngó ra đường Trình Minh Thế đón khách từ kho 5, kho 11 lên; một mặt ngó ra đường Tôn Đản. Ai đã từng là dân phu khuân vác bến tàu, chạy xích lô máy, xích lô đạp, xe ba bánh, đánh xe ngựa, học trò nghèo hay làm tư chức miệt Khánh Hội và bên kia cầu Tân Thuận, cầu Hàn mà không là thân chủ của Hoà Thành và Huỳnh Thị Dậu? Tiệm cầm đồ bình dân, ăn lời 3%, còn gọi 3 phân, thuở ấy cái gì cũng cầm được; từ món nữ trang, chiếc đồng hồ đeo tay cho đến bộ đổ "tây", cái quần mỹ a, bộ áo dài, chiếc xe đạp đều có thể biến thành món tiền trang trải trong lúc ngặt nghèo! Qua khỏi tiệm Huỳnh Thị Dậu, là cơ sở sửa tủ lạnh của ông Hai Dung, có đứa con trai tên Bòn, sau nầy nối nghiệp cha, tiệm làm ăn rất phát đạt. Kế đó, có kho hàng hãng Poinsard Veret (*) của người Pháp -chữ nầy lâu quá không bảo đảm viết trúng- sau 1975 thành xí nghiệp bóng đèn Điện Quang. *Poinsard et Veyret (Comptoirs d'Extrême-Orient) Dân Tôn Đản cựu trào chắc không ai quên nhà bảo sanh Lao Động, của bác sĩ Nguyễn Bính Phương. Bác sĩ Phương là anh của nhà văn An Khê Nguyễn Bính Thinh. Tháng 6/1954 , thiếu tá Nguyễn Bính Thinh bị thương nặng trong trận phục kích Binh Đoàn 100 của Pháp tại cây số 15, đèo Mang Yang nên viết văn lấy bút hiệu An Khê. Dù nhà bảo sanh có tên Lao Động, mọi người đều gọi là “Nhà thương Con Cò”, vì lẽ đơn giản phía trước nhà bảo sanh này có gắn hình một con cò đang chắp cánh bay. Tháng 4 năm 1955, Bình Xuyên gây hấn ở Đô Thành, không biết vì lý do gì mà Bác sĩ Nguyễn Bính Phương bị mấy ông kẹ “công an xung phong” của Bình Xuyên bắt thủ tiêu! Đi xuống chưa tới 100 mét, gặp ngã ba Tôn Đản - Đỗ Thanh Nhơn, còn gọi ngã ba Cầu Cống. Có sử gia viết tên ông Đỗ Thanh Nhơn thành Đỗ Thanh Nhân, đó là quyền của nhà chép sử. Chớ thật ra, tên thật của người ta thì nên viết cho đúng, hà cớ gì phải đổi? Trong Gia Định tam hùng theo phò vua Gia Long, ngoài Đỗ Thanh Nhơn và Châu Văn Tiếp còn ông Võ Tánh. Đường Đỗ Thanh Nhơn nầy, sau 1975 đổi tên thành đường Đoàn Văn Bơ. Ngay đầu ngã ba Tôn Đản - Đỗ Thành Nhơn phía bên trái, có một ngôi chợ nhỏ mang cái tên thật bình dân: chợ Cầu Cống. Chợ nầy càng về sau càng sung, vì dân số Quận Tư càng ngày càng tăng. Có lẽ Quận Tư bao giờ cũng là đất dung thân cho dân nghèo bốn phương tám hướng. Khói lửa chiến tranh khiến biết bao mảnh đời thôn dã phải bỏ ruộng, bỏ vườn trôi giạt về đây tìm một chỗ nương náu. Chợ Cầu Cống đặc biệt hơn các chợ khác vùng Khánh Hội, Vĩnh Hội vì người ta gọi nó tới ba tên mà ai cũng hiểu. Chợ Cầu Cống, chợ Cây Bàng hay chợ Cây Keo đều chỉ ngôi chợ nhỏ đó. Từ cuối đường Tôn Đản, vùng Tôn Thất Thuyết muốn đi chợ Cầu Cống mua thức ăn chỉ cần leo lên xe ngựa, tới chợ trả một đồng bạc. Vô chợ mua một xâu lòng bò cột sẵn giá ba đồng gồm lá sách, tim, gan, phổi và một bó cải ngọt một đồng, chị bán hàng cho thêm hai tép hành không tính tiền. Thế là buổi chiều, cả nhà có bữa cơm ngon miệng, "lòng bò xào cải ngọt" thua gì đi ăn cao lầu Đồng Khánh trong Quận Năm? Tưởng cũng cần giải thích, tại sao gọi chợ Cầu Cống? Nguyên do là sát bên đó, rạch Cầu Chông từ sông Bến Nghé đâm ngang đường Bến Vân Đồn, sau khi quanh co trong những xóm nghèo, ra tới đường Tôn Đản, băng ngang một cái cống lớn xây bằng xi măng rồi tiếp tục chảy về vùng kho 11. Bên cạnh cống, có cây keo thân lớn xù xì, không biết trồng từ đời nào. Loai keo nầy cho trái màu xanh, lúc chín màu đỏ, ăn có vị ngọt, trẻ em rất thích. Thập niên 50, những chiếc ghe mía từ Cầu Ông Lãnh qua hoặc ghe chở nước uống, neo đậu tại miệng cống, bán hết mía, đổi hết nước mới về. Ông bà ngày xưa, cứ "thấy mặt đặt tên", nào là Xóm Gà, chợ Cây Thị, chợ Cây Sa Sà, Xóm Lu rồi Cầu Ba Cẳng, chợ Cầu Cống thật dễ hiểu, dễ nhớ cũng rất thân thương! Thời gian về sau, dân cư càng ngày càng phát triển đông đúc, nhà sàn lấn dần dòng chảy, rạch Cầu Chông chịu chung số phận với những con kinh nước đen của Sài Gòn và Gia Định. --Tiffany Nguyen

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Vài dòng ngày giỗ Mẹ

Mẹ ơi, lại thêm một lần giỗ của mẹ . Trời hôm nay không một chút nắng nơi vùng đất Long An này mà con đang sống . Con đứng đây, chơi vơi giữa đất người xa lạ mà giờ đây con phải làm quen và coi nó như mảnh đất của chính mình !

Vậy là đã bao mùa mẹ đi xa để rồi con về đây nơi con được sinh ra và lớn lên trong con hẻm chật chội ở Quận Tư ,  luôn thấy hình bóng mẹ lẩn quất đâu đây, bên con, dưới hiên nhà con đang đứng ! Hôm nay, con về cùng các cháu của Mẹ , con đậu xe bên một con đường nhỏ, ngắm nhìn xe cộ vượt qua ! nhìn cây Bồ đề sau nhà ( nay là trước nhà ) , bỗng dưng một kỷ niệm xa xưa trổi dậy ùa về ! sau nhà mình dạo ấy có một cây cầu nhỏ nối liền các nhà sàn gổ trên một con rạch Câu Chông ra kênh Tàu hủ. Ngày xưa con rạch đó rất sạch , tuổi thơ của con đã từng nhảy xuống tắm trên con rạch ấy , cùng các bạn trang lứa tung tăng trên cây cầu gổ thả diều , chia từng phe đánh trận giả  ...  Hồi ấy, con còn bé tí mẹ nhỉ, chỉ biết ăn học và chơi đùa . Có những lần đánh lộn thật với bạn mẹ đã kêu về  , cầm roi trên tay mà nước mắt mẹ chảy xuống , lúc ấy mẹ nhìn thấy con khóc thì mẹ không nờ ra tay  , và con nhận ra ánh mắt giận dữ của mẹ, nhưng khi nhìn thấy vết máu loang lổ trên tay con thì mẹ đã bế con vào lòng và chạy ùa vào lấy bông và nước rửa cho con !

Nuôi dạy con cái thật khó phải không mẹ ! Đến bây giờ khi mà con đã có con, các cháu của Mẹ đã lớn và con chứng kiến từng ngày sự lớn khôn của chúng ! Hẳn chúng cũng như con ngày xưa và con bắt đầu học được tính kiên nhẫn từ mẹ. Tuổi thơ nhiều khi làm mà không lường hết những hậu quả. Nhiều lúc các con của con đã làm những việc không đúng, khiến con bực mình và định quát mắng chúng, nhưng những lúc như vậy, con lại như nhìn thấy ánh mắt cương nghị nhưng cũng tràn đầy tình âu yếm của mẹ. Con lại dịu xuống. Nhiều lúc không dừng được, con lấy roi quất chúng một cái, tiếng khóc của chúng khiến con đau đớn, nhưng quay đi để cố giấu những giọt lệ ! Mẹ đã từng nói không được mềm yếu trước mặt người khác, với các con thì càng không. Nuôi dạy con cái phải biết thưởng phạt công minh !

"Tánh Lười biếng còn buồn hơn cả khổ con ạ", mẹ đã nói như thế khi con thấy mẹ lúc nào cũng quần quật làm việc ! Mẹ ơi, cùng với năm tháng con lớn lên, trưởng thành hơn và ngẫm nghĩ về những câu nói của mẹ. Những câu nói bình thường được chắt chiu từ cuộc sống lam lũ của mẹ đôi khi con thấy chúng còn thiết thực hơn cả những câu châm ngôn hay những câu nói cao siêu của các nhà hiền triết !

Con rất nhớ mẹ, mẹ ạ. Trong đầu con lúc này trỗi dậy bao hình ảnh của mẹ. Hình ảnh mẹ ngồi bán nới góc hẻm gần nhà những chiếc rổ tre đựng trái cây để bán, hình ảnh mẹ đêm đêm hí hoáy sửa những bộ quần áo cũ, cảnh mẹ sáng sớm ra chợ mua đồ về để bán , cảnh mẹ sắp bàn và những rổ tre bày trái cây lẻ , cảnh mẹ lo cơm cho các con ăn…  Nhiều lắm mẹ ạ, con làm sao kể hết !

 Đời mẹ tần tảo quá nhiều và gánh chịu bao đau thương. Còn con, có lẽ số phận đã trả công cho mẹ bằng cách cho con được hưởng nguồn hạnh phúc. Tiếng cười của con và các cháu của mẹ là nguồn hạnh phúc vô tận của con , nhờ đó khi con lao vào làm việc mà không hề kêu la !  Con đôi lúc cũng cảm thấy buồn lòng ! Chính cha mẹ đã sinh ra con và nuôi con đến lúc trưởng thành, khi con chập chững bắt đầu đầu bay được bằng chính đôi cánh của mình, thì cha mẹ không còn nữa, con đã chẳng báo hiếu gì được cho cha mẹ !

"Công việc khiến con cảm thấy cuộc sống không nhàm chán!" mẹ cũng đã nói thế ! Vâng, và bây giờ con đã chiêm nghiệm được điều ấy ! Hãy vui nha mẹ, vì con đã theo đúng và tiếp tục con đường xưa mà con đã chọn. Ngày đó, con đường mà con chọn, theo mẹ là gập ghềnh, đầy gian truân và xa thẳm mù khơi, vậy mà con đã đi và đã tới, con đã ít nhiều thành công và vẫn tiếp tục ! Ôi ! Giá mà mẹ còn, hẳn mẹ sẽ hài lòng vì con, đứa con trai bướng bỉnh và luôn quậy phá nhưng luôn nghe lời mẹ…

Ngồi tâm sự với mẹ, khiến lòng con ấm lại, con như trút được bao u ám của buổi chiều mây mù, sương giăng giăng tối mờ khắp ngả ! Con biết, mẹ vẫn luôn đi theo con, đúng không ! Mẹ ở đây, mẹ ở kia…
Mùa giỗ mẹ con về đây đốt nén hương bên bàn thờ Mẹ , đứng trước hiên nhà mình dõi mắt nhìn lên trời cao, con thả tâm hồn mình về nơi ấy, con thành kính mong muốn hương hồn ba mẹ  luôn phiêu diêu nơi chín suối. Hãy thanh thản và bình an, mẹ nhé !

Con của Mẹ