trang

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Mùa thu, không đề

25/08/2011


Phạm Toàn
Tôi bắt gặp đoạn viết dưới đây của Mẹ Nấm khi lướt tin trên mạng bỗng ghé qua nhà chú Ba Sàm. Tôi chép xuống, đọc lại, và chất thơ trong đoạn văn của người đàn bà không định làm thơ đã buộc tôi đặt cho nó một cái tên, và như bên dưới bạn sẽ đọc được, tôi gọi đó là Khúc không đề mùa thu.
Có một sự kiện mang tính lịch sử toàn cầu, ấy là các nhà thơ (và các họa sĩ) – vào cái thưở họ là sinh viên – thường là những nhà cách mạng sôi sục. Petofi ở Hungary, Victor Hugo ở Pháp, Blok và Maiakovsky ở Nga, Lorca ở Tây Ban Nha… cả ở Việt Nam nữa, những người không-bất hủ thế hệ Tố Hữu chẳng hạn.
Nhà thơ mới là kẻ dễ dàng có lòng đồng cảm nên họ cũng dễ dàng có tinh thần cách mạng. Mẹ Nấm ghi như là bâng quơ, nhưng sao ta hình dung thấy đôi mắt kính bị nhòe: Lúc Binh Nhì giơ cho mình xem tổng tài sản của Dũng Aduku đưa cho Binh Nhì giữ trước khi tạm biệt để lên Hỏa Lò là 1 chiếc ví da cũ trong đó có 3 tờ 10.000đ. Binh Nhì bảo là Dũng nó có tất cả 80.000đ, đổ xăng xe hết 50.000 đ, ăn trưa 20.000đ còn 10.000 để đề phòng thủng săm xe. Khổ thân em quá, Dũng ơi ! Đôi mắt kính ấy phải nhòe thì người đàn bà yếu ớt đó mới dễ dàng nổi giận trước những lời vu cáo người biểu tình được nhận tiền.
Mẹ Nấm không định làm văn chương, nên Mẹ Nấm mới thêm vào Khổ thân em quá, Dũng ơi! Nhà văn có nghề sẽ không cần viết thêm mấy lời đó. Sự không chuyên nghiệp văn chương đó chỉ càng chứng tỏ cái hồn thơ Mẹ Nấm.
Tôi xin có đôi lời giới thiệu bài viết cực kỳ đáng yêu như tấm hình bé Nấm tôi được nhìn một đôi lần trên mạng. Sao người ta có gan bắt dứa bé xinh thế phải xa mẹ nó nhỉ? Sao lại có những con người vô cảm không chịu học hành tu dưỡng thật sự và tìm cách cho những con người sục sôi tinh thần cách mạng tháng Tám của cha anh được sống trong hạnh phúc bên bé Nấm ở một xứ sở con người được sống trong yêu thương và có những thiết chế xã hội bảo đảm cho họ được sống hạnh phúc trong thương yêu?
Hỡi những người cầm quyền, hãy hình dung Mẹ Nấm và lớp trẻ đó khi họ vẫn còn nhớ tới Tháng tám mùa thu, và xin hãy đừng để hồn thơ của họ phải kết thúc các bài họ viết như thế này, Tháng Tám mùa thu - ngày thật buồn! Các vị sẽ phải chịu trách nhiệm về nỗi buồn của cả một thế hệ!
P.T.
––––––––––––––––––––
Khúc không đề mùa thu
Blogger Mẹ Nấm
(Tựa đề do Phạm Toàn đặt lại)
Những ngày cuối cùng của tháng Tám sắp đi qua, và Hà Nội đang vào thu.
Tôi không nhớ nhiều về những ngày đầu tháng rực rỡ, những ngày sôi nổi với bạn bè bằng một lần được ngồi trò chuyện với chị Bùi Hằng, chị Phương Bích và anh Dũng (Aduku).
Khác hẳn với hình ảnh của một nữ quản ca đầy nhiệt huyết bên Bờ Hồ mỗi sáng Chủ nhật, Bùi Hằng mà tôi gặp rất vui vẻ và "đanh đá" một cách dịu dàng. Chị khoác tay tôi nhìn từ đầu đến chân rồi bảo: "Ôi con bé này còn bé hơn mình nghĩ". Còn tôi thì xin phép chị cho tôi rờ xem hàng chữ "Nợ nước – Thù nhà" trên vai là thật hay là dán.
Lúc chúng tôi đang cùng ngồi nói chuyện thì hình như có một anh an ninh gọi hỏi xem chị đang ở đâu, và chị trả lời anh ấy rất nhẹ nhàng. – Em đã ở ngoài đường rồi anh ạ. Hẹn gặp anh tại địa điểm của những người yêu nước nhé!
Đứng cùng với chị trong đám đông những người tham gia biểu tình tại Hồ Gươm sáng Chủ nhật ngày 7.08.2011 tôi thực sự thấy phục sức khỏe và sự kiên trì của chị Hằng. Mọi người hô khẩu hiệu rất phấn khởi, chị giữ nhịp rất đều. Dường như chị không thấy mệt khi phải đi một vòng Bờ Hồ và hát hò cả hơn 3 tiếng.
Khi xem một loạt các tin nhắn hăm dọa chị trong điện thoại, tôi hỏi: "Chị không sợ à?".
Chị trả lời: "Chị đã đi quá nửa đời người rồi em ạ. Sung sướng, khổ nhục gì rồi cũng trải qua, ai cũng sợ, nhưng vượt qua nỗi sợ thì không còn sợ nữa. Chị nghĩ nếu có thể làm được điều gì có ý nghĩa cho đời mình thì chị sẽ làm, vì không thể để đời mình trở thành vô dụng".
Ấn tượng chị để lại trong tôi, ngoài hình ảnh một người yêu nước nhiệt thành, một người phụ nữ luôn có đầy đủ lý lẽ và lập luận sắc bén để "đối thoại" với lực lượng an ninh còn là hình ảnh của một bà chị tốt bụng, chăm lo đến trạng thái sức khỏe và tinh thần của người khác đến nỗi quên cả bản thân mình. Dòng cuối cùng tôi nhận được từ chị :
Bùi Hằng muốn làn bó sen - BH muốn làm NGỌN ĐUỐC
- Ôi Tổ quốc khi cần Tôi chết
- Cho mỗi căn nhà, NGỌN NÚI, CON SÔNG
Nếu chúng dám tàn bạo với chúng ta, với đồng bào của chúng, cho BH này nguyện CHÂM BÓ ĐUỐC... Sẽ hãnh diện lắm nếu có thể chết cho lòng yêu Tổ quốc và con người.
clip_image002
Chị Bùi Hằng (áo dài) và chị Phương Bích (áo đen). Ảnh: Nguyễn Lân Thắng
Trái ngược với sự sôi nổi của chị Hằng, chị Phương Bích (Đặng Bích Phượng) lại là người phụ nữ đối lập. Gặp chị ở ngoài, tôi không thể tin được, bà chị 52 tuổi, nhẹ nhàng trầm tĩnh này lại có thể nói hàng giờ về bố mình. Chị nói: chị đã đi qua thời sôi nổi của tuổi trẻ trong an bình, chị muốn dành hết thời gian của mình để chăm bố. Bố chị Phương Bích có vấn đề với dạ dày, nên hàng ngày ngoài giờ đi làm chị luôn về nhà giành phần nấu ăn cho bác.
Lúc tôi hỏi: "Thế mỗi buổi sáng chị đi tập thể dục ở Bờ Hồ, thì ai nấu cơm hả chị?" Chị bảo, lần nào đi chị cũng tranh thủ đi chợ sáng, rồi lúc "đi dạo" xong, phải về ngay chăm cụ.
Chị Phương Bích ở ngoài dịu dàng, nhẹ nhàng hơn một số bài chị viết trên báo. Chị nói: "Không thể tin được là chị lại có thể vượt qua nhiều nỗi sợ hãi để xuống đường cùng mọi người thế này em ạ. Chỉ có thể giải thích điều này bắt nguồn từ tình yêu thiêng liêng đối với Tổ quốc, mà đến chừng tuổi này chị mới cảm nhận được".
Hôm UBND TP Hà Nội ra thông báo yêu cầu chấm dứt các cuộc biểu tình tại Hồ Gươm, chị Phương Bích thông báo việc các cơ quan ban ngành địa phương đến yêu cầu, thuyết phục và làm áp lực với gia đình chị. Bố chị tăng huyết áp ngã bệnh, gia đình xào xáo.
Dòng cuối cùng chị thông báo trên Facebook của mình lúc 4:33 sáng Chủ nhật ngày 21/8/2011:
Không ngủ được, dậy viết thư gửi ông NT Thảo. Có lẽ để chiến thắng được trò chia rẽ nội bộ này của chính quyền, ta phải chấp nhận sự hy sinh nào đó. Tôi bỏ nhà đi bụi đây.
clip_image004
Ảnh: Nguyễn Lân Thắng
Người cuối cùng tôi muốn nhắc đến là Nguyễn Văn Dũng (Aduku Aka). Dũng hơn tôi một tuổi, và chúng tôi thống nhất là gọi tên nhau cho thân mật. Quê Dũng ở tận Việt Trì, Phú Thọ. Và mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần, Dũng lại đi xe xuống tận Hà Nội để bày tỏ lòng yêu nước của mình bên Hồ Gươm. Tôi biết Dũng vì chúng tôi có cùng sở thích là đọc sách, và khi gặp nhau, tôi thực sự thấy phục anh bạn mình. Bạn đọc kỹ, nói chậm nhưng quyết liệt và dứt khoát. Nếu nhìn Dũng ở ngoài, bạn sẽ cho rằng đây là một chàng thư sinh trói gà không chặt. Nhưng có nói chuyện, có trao đổi mới thấy được ước mơ và khát vọng nhìn thấy sự tươi mới trên quê hương mình của anh.
Dũng nói với tôi: "Mình rất gàn, nhưng mình gàn vì mình có một sự thay đổi thực sự. Mình gàn vì muốn đem kiến thức mình biết để truyền lại cho các em" (Dũng có một quầy sách nhỏ trước cổng trường).
Tôi chỉ kịp xiết tay Dũng trong một lần hội ngộ bên Hồ Gươm.
Status cuối cùng trên Facebook của mình Dũng viết:
Không bán nước cho người yêu nước
Cứ thích nô với kẻ vong nô :)
Tin cuối cùng mà tôi nhận được về Dũng từ bạn bè mình là thế này:
Lúc Binh Nhì giơ cho mình xem tổng tài sản của Dũng Aduku đưa cho Binh Nhì giữ trước khi tạm biệt để lên Hỏa Lò là 1 chiếc ví da cũ trong đó có 3 tờ 10.000đ. Binh Nhì bảo là Dũng nó có tất cả 80.000đ, đổ xăng xe hết 50.000 đ, ăn trưa 20.000đ còn 10.000 để đề phòng thủng săm xe. Khổ thân em quá, Dũng ơi!
Chúng tôi, nhiều người thấy cay mũi khi đọc những dòng này, xin gọi anh là "Chú lính chì dũng cảm"!
clip_image006
Mùa thu Hà Nội thường đọng lại trong tôi rất nhiều ký ức đẹp, nhưng có lẽ hôm nay ký ức đó không những đẹp mà còn buồn. Bởi hai người chị, và người bạn của tôi vẫn còn đang bị giam giữ vì bày tỏ lòng yêu nước của mình "không đúng cách".
Viết cho mùa thu năm nay, không mong gì hơn ngoài sự bình an, vững vàng và tinh thần kiên định của chị Hằng, chị Phượng và Dũng.
Tháng Tám mùa thu - ngày thật buồn!
M.N.

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Nhớ Mẹ



        Khi sinh ra mỗi chúng ta đều theo một luật định của loài người là Sanh , Lão , Bệnh , Tử . Đó là điều hẳn nhiên mà chúng ta phải tuân theo , cho nên với một đời người rất ngắn ngủi mới ngày hôm qua chớp mắt là ngày hôm sau thì vài chục năm có nghĩa lý gì , tóc sữa , tóc xanh , tóc nâu , tóc bạc thì mấy hồi , nhưng điều quan trọng ta được sinh ra là nhờ ơn Cha Mẹ mới có ta , dù ta có đẹp , có xấu , có ngu xuẩn , thông minh hay gì chăng nữa nhưng ta vẫn là ta , vẫn là đứa con tuyệt vời nhất của Cha Mẹ , vẫn nhờ dòng sữa của Mẹ,  nhờ công ơn của Cha .
         Tại sao người ta thường ca ngợi hình tượng người Mẹ nhiều hơn Cha , có lẽ vì người Phụ nữ thường chịu nhiều khổ cực nhất , nên người ta thường nói .

Đàn ông đi biển có đôi
Đàn bà đi biển mồ côi một mình





Có lẽ vậy , Mẹ là dòng suối tắm mát , là dòng sông êm đềm , là vòng tay ấm áp che chở cuộc đời con ......

            Hình ảnh đó có biết bao nhiêu thơ , nhạc , ca dao đã ca ngợi tình mẹ thương con bao la như biển rộng , trời cao , trái tim Mẹ dành cho con " thương con " như một thứ tình thiên thu bất tử .

           Tiếng "Mẹ" đầu tiên của trẻ thơ bật ra khi biết nói như một sự trùng hợp ngẫu nhiên để đáp lại tình mênh mông bao la như trời biển của mẹ và trong ký ức đó của con hình ảnh mẹ rất đơn sơ , mà nhà thơ Lưu Trọng Lư đã trao chuốt vần thơ về Mẹ

Mỗi lần nắng mới hắt bên song.
Xao xác gà trưa gáy não nùng;
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không
Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời
Lúc người còn sống tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi
Hình dáng mẹ tôi chửa xóa nhòa
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa Hè, trước giậu thưa
 ( Nắng mới )

           Mỗi năm tôi thường về quê Miền tây thăm "Mộ Mẹ " ở nghĩa trang làng , mà dân làng tôi thường gọi là " Đất Thánh " tức là đất của của dòng họ gia tộc , đốt nén nhang mà nhớ Mẹ biết bao , ngồi bên Mộ Mẹ mà hồi tưởng lại những lúc còn trẻ thơ , hình ảnh mẹ trong ký ức của tôi không bao giờ xóa nhòa . Mẹ ơi ! suốt cuộc đời Mẹ phải vất vả hy sinh cho chồng con , mà không một chút buồn lòng , chán nản . Mẹ đã thao thức sớm khuya làm lụng cực khổ người hao mặt gầy . Nhớ khi xưa mẹ buôn bán nhỏ ,dáng mẹ ngồi góc xóm để bán những những quà bánh trái cây lặt vặt để kiếm tiền nuôi con , hình ảnh mẹ gầy gò xanh xao sáng nắng chiều mưa làm mẹ mau già hơn , nét nhăn càng hằn lên trán mẹ hơn , rồi những lúc con ốm nặng , mẹ túc trực bên con , lo lắng cho con từng chút , mẹ đút cho con từng muỗng cháo, muỗng cơm , từng viên thuốc .


“ Quanh năm có nghỉ ngày nào!
Sớm khuya làm lụng người hao mặt gầy
Rét Đông đi cấy đi cày
Nóng Hè bãi cát, đường lầy đội khoai
Bấu chân khỏi ngã dốc nhoài
Những chiều gánh nước gặp trời đổ mưa”.
(Mẹ ơi! Đời Mẹ)( Huy Cận )

      Con không biết phải kể bao nhiêu về sự hy sinh và lòng yêu thương của mẹ , con không biết phải diễn tả làm sao cho hết những hình ảnh mà trong ký ức con luôn nhớ về mẹ .  Tình yêu thương của mẹ là cả một kho tàng , lòng mẹ thì bao la lắm , chẳng có ngôn từ nào có thể nói hết được .

Mênh mông biển lớn sóng dâng trào
Lòng mẹ ngàn năm vẫn dạt dào
..................................
Nhớ mẹ tháng năm mòn mỏi đợi
Nỗi lòng canh cánh núi ngàn cao” 
( Nguyễn Vô Cùng ) 

        Một kỷ niệm mà con không bao giờ quên được trong cuộc đời này , là vào một dịp đi công tác xa một tuần lễ , khi về đến nhà trời đã tối được tin mẹ nằm bệnh viện con vội vã cất hành trang rồi  đi thẳng vào bệnh viện ,  vào đến nơi  nhìn thấy Mẹ đang nằm trên gường bệnh , đôi mắt nhắm nghiền , khuôn mặt xanh xao , gầy guộc , hơi thở nặng nhọc , mà tim con se thắt , lòng con quặng đau . Ngồi bên Mẹ , nắm bàn tay gầy của Mẹ , bàn tay này đã bao năm tháng làm lụng nuôi nấng các con nên người đã chai cứng theo thời gian , giờ như buông xuôi theo số phận .


        Mẹ ơi ! con muốn nói thật nhiều với mẹ , hình ảnh Mẹ ngày ấy không bao  giờ quên được , nhất là phút lâm chung , Mẹ cố gắng gượng gạo kêu tên một người con không ở bên Mẹ ( người con ấy bên xứ người ) , rồi khi người con ấy của Mẹ hay tin đã khóc rất nhiều , rất nhiều ... vì không được ở bên Mẹ , nhất là khi biết được phút lâm chung Mẹ đã gọi tên mình .

        Một bông Hồng đỏ cho những ai còn Mẹ , con xin dâng Mẹ một bông Hồng Trắng nhân Mùa Vu Lan này , ngày mà chúng con hướng những suy tư của mình về quá khứ , ngày để thể hiện đạo làm con với đấng sinh thành , con xin thắp nén hương này trong dòng đời đầy toan tính , bon chen , đầy ganh ghét , đố kỵ , ích kỷ , thù hằn , nhưng khoảnh khắc này của  ngày lễ Vu Lan đưa những người con  đối diện với lòng mình đúng nghĩa hơn .

Và mùa Vu Lan lặng lẻ đến
Con âm thầm cài bông hồng trắng
Giữa bao bộn bề giờ dẫu không còn Mẹ
Con vẫn mĩm cười , và thầm gọi Mẹ ơi

NGÀY LỄ VU LAN
NGUYỄN QUỐC