trang

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Nhớ Mẹ trong Lể Vu Lan

Chúng ta sinh ra, trưởng thành, tuổi già đến, bệnh tật rình rập, rồi cái chết đón chúng ta trở về  cõi vĩnh hằng, trở về với đất mẹ, trở về với cát bụi, đó là một qui luật bất biến của tạo hóa. Ai cũng phải vui vẻ đón nhận qui luật ấy một cách tự nhiên.


Từ ngày mẹ tôi mất đến nay, thắm thoát mà đã 20 năm rồi , mỗi năm về thăm nghĩa trang, viếng mộ mẹ, tôi thấy có những ngôi mộ mới, hoa vẫn còn tươi, hỏi ra mới biết toàn là những người con của làng vừa mới ra đi. Sự ra đi của mỗi người đều có nguyên nhân khác nhau, người trẻ tuổi thì mất do tai nạn giao thông, người trung niên thì do uống quá nhiều rượu dẫn đến ung thư gan, những người khác đều mắc chứng bệnh ung thư, sau cái mất của mẹ, tôi liệt kê những người đã khuất sau mẹ, rất nhiều người bằng tuổi mẹ, dưới tuổi mẹ và trên tuổi mẹ một chút đều ra đi do chứng bệnh ung thư quái ác hoành hành. Xã hội ngày càng phát triển, kinh tế khấm khá hơn trước, đời sống sung túc hơn trước, tuổi thọ gia tăng hơn trước, dân số Việt Nam đang già đi.

Nhưng tất cả cũng không vượt qua được quy luật của loài người là sinh , lão , bệnh , tử . Có lẽ tôi cũng theo quy luật đó , khi mà năm nay tôi đã 50 tuổi rồi , cái tuổi mà ngày xưa các cụ làm lễ ra đinh .

Nhớ ngày xưa khi còn trẻ thơ hình bóng mẹ và ký ức luôn ngập tràn trong tâm , rồi đến khi mẹ mất khiến cho tôi và tất cả anh chị em trong gia đình đều bàng hoàng . Dù biết rằng căn bệnh ung thư quái ác đã cướp đi một người mẹ mà tôi hằng yêu quý . Ngày mẹ mất tôi và cả anh chị em tôi cũng đã khóc rất nhiều , nhưng có lẽ tôi là người khóc nhiều nhất , bởi vì trong thâm tâm tôi đã rất hối tiếc không được báo hiếu cho mẹ khi mà tôi bắt đầu làm nên sự nghiệp cho riêng mình . 

Nhớ lại khi xưa mẹ đã tần tảo buôn bán lo lắng cho đàn con chúng tôi , nói đàn con là chính xác , tôi là người con thứ mười theo cách gọi người miền Nam ( đứa con thứ chín ) , sau tôi còn ba đứa em nữa . Mẹ đã làm tất cã cho những đứa con của mẹ , mẹ hy sinh rất nhiều , nuôi cho con khôn lớn nên người , mà điều đáng quý nhất là tất cã những đứa con của mẹ không ai hư hỏng cả , ai cũng nên người , có công ăn việc làm . Có điều khi các con trưởng thành và làm ăn khấm khá thì lúc đó mẹ lại vĩnh viển ra đi .

Mỗi lần về quê, bên mộ cha và mẹ , tôi có rất nhiều điều muốn tâm sự những gì mà cuộc đời con đã đi qua ,những khó khăn khi làm cha của những đứa con của tôi , những thăng trầm trong cuôc sống với mẹ , không biết mẹ nơi suối vàng có lắng nghe được những lời tâm sự của con không .

Cả đời mẹ lam lũ , ngồi một góc trong khu xóm lao động ở quận Tư , Sài gòn  buôn bán lẻ kiếm từng đồng nuôi các con , mẹ tôi là một người hiền lành nên mẹ đã để lại trong lòng nhiều người những tình cảm tốt đẹp và sự tiếc thương bằng chính nhân cách của mẹ. Mẹ luôn luôn  chịu phần thiệt thòi trong các quan hệ, kể cả với họ hàng nội ngoại cũng như hàng xóm, láng giềng. Mẹ thường khuyên chúng tôi hãy sống trung thực, mẹ lấy nhiều dẫn chứng để chứng minh cho luật nhân quả, chúng tôi thấm thía những bài học mẹ đã dạy. Mẹ ra đi vĩnh viễn rồi! Nhưng những gì mẹ dạy dỗ chúng con, chúng con sẽ mãi khắc ghi trong lòng, và mỗi anh em chúng con sẽ gắng thực hành những điều mẹ dạy bảo.

Mùa Vu lan năm nay đã là năm thứ hai mươi anh em chúng tôi không còn mẹ, nỗi đau không gì bù đắp nổi, không còn mẹ u ấp mới thấy trong lòng mình rất trống trải, sự thiếu vắng mẹ là những tổn thất lớn về tinh thần. Mẹ không còn nữa, mùa Vu lan lại đến, con viết những dòng này gửi mẹ ở nơi xa thẳm hiểu tấm lòng của chúng con đang hướng về mẹ. Cầu chúc cho tất cả cả bà mẹ đang còn sống được bách niên giai lão. Chúc cho muôn nhà bố mẹ, ông bà được trường thọ, con cháu được sum vầy. Mỗi gia đình là một xã hội thu nhỏ, nhiều gia đình hạnh phúc thành đạt, con cháu tứ đại đồng đường, sống có ích, sống vui sống khỏe, là hạt nhân cho đất nước tiến bộ và phát triển, thịnh vượng.

Gương hiếu hạnh của Đức Mục Kiền Liên



Hôm nay là ngày Lễ Vu Lan, 15 tháng bảy âm lịch theo Phật giáo Việt Nam, thokao trích bài "Gương hiếu hạnh Đức Mục Kiền Liên" của Hòa thượng THÍCH THANH TỪ để mọi người cùng đọc.

Ngày lễ này có ý nghĩa rất lớn vì đây là ngày Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi khổ hình trong địa ngục. Tại sao Ngài Mục Kiền Liên là vị đệ tử của Phật, cũng như bao nhiêu vị A la hán khác nhưng chúng ta lại đặt quan trọng? Bởi vì người Việt Nam lâu nay nặng về chữ Hiếu, tổ tiên ông bà cha mẹ đều lấy chữ Hiếu làm đầu. Gương của ngài Mục Kiền Liên là một gương sáng nói lên lòng hiếu thảo của người con đối với cha mẹ, nên rất thích hợp với Phật giáo Việt Nam.
Cho nên Phật giáo nước ta xem ngày Lễ Vu lan rất quan trọng, để nhắc nhở tất cả Phật tử đều ý thức ngày lễ này là một hình ảnh đẹp, là một tấm gương sáng ngời, chúng ta phải hằng nhớ hằng biết, chớ không thể lơ là được. Người Việt Nam mình tôn trọng chữ Hiếu làm đầu, điều này có sai lệch không? Chắc là không. Bởi vì ai cũng thấy rõ, chúng ta nhờ thừa hưởng sự trao truyền từ cha mẹ mà mình có hình hài, có thân thể này. Sự trao truyền đó là huyết thống, chớ không phải chuyện ở bên ngoài. Cho nên mọi hay dở tốt xấu của chúng ta là niềm vui buồn hay đau khổ của cha mẹ. Bổn phận làm con không bao giờ quên ơn cha mẹ, bởi vì thâm ân đó không thể nào chối cãi, không thể nào từ bỏ được.

Người nào thấy cha mẹ già có vẻ lẩm cẩm một chút mà xem thường cha mẹ là có lỗi lớn. Dù cha mẹ lẩm cẩm bao nhiêu đi nữa, nhưng chúng ta cũng nhớ rằng bản thân mình là một phần của thân thể cha mẹ, không thể tách rời, không thể đứng riêng, dù muốn chối bỏ cũng không chối bỏ được. Thân này đã là của cha mẹ mà mình phụ rẫy, vong ân thì điều đó thật vô nghĩa, không xứng đáng là một con người. Do đó lòng hiếu thảo đối với chúng ta là một chân lý. Trên thế gian này không có ân nào quý trọng và cao cả bằng ân cha mẹ. Nếu ân cao cả như vậy mà chúng ta quên đi thì những ân thường trong xã hội, ân của bạn bè giúp đỡ, chúng ta làm gì biết ơn và đền ơn.

Như vậy muốn thành người tốt, có đạo đức, trước tiên phải là người con hiếu thảo. Người Phật tử không phải tu theo Phật để chỉ cầu giải thoát sanh tử thôi, mà còn tu trong bổn phận làm người, trong đó cha mẹ là trên hết. Đối với cha mẹ mà quên thì cầu thành Phật, cầu giải thoát, e rằng chưa được. Vì sao? Vì ngài Mục Kiền Liên đã chứng A la hán rồi mà còn chưa quên công ơn của mẹ, huống nữa chúng ta là phàm Tăng phàm Ni, lại không nhớ không kể gì đến ân cha mẹ, đó là một điều thiếu sót không thể chấp nhận được.

Vì vậy ngày Lễ Vu lan vừa là lễ Phật, lễ Bồ tát, lễ A la hán tức ngài Mục Kiền Liên, mà cũng là một ngày gợi nhắc lại cho chúng ta tinh thần cao đẹp của tổ tiên mình. Chúng ta phải nhớ ngày Lễ Vu lan có ý nghĩa trọng đại như thế, chớ không phải tới ngày này chỉ cầu nguyện cho ông bà siêu sanh Tịnh độ thôi, mà chúng ta luôn nghĩ tới bổn phận làm con đối với cha mẹ. Nghĩ đến tình thương cha mẹ đối với chúng ta như thế nào để cố gắng tu hành, cố gắng đền trả công ơn lớn lao của cha mẹ. Như vậy mới xứng đáng là người con Phật, cũng xứng đáng là người Phật tử Việt Nam.

Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao ngài Mục Kiền Liên đã tu chứng lục thông, có thể đến được chỗ của mẹ ở trong cõi ngạ quỷ đói khát, mà không dùng thần thông cõng mẹ chạy lên cõi Trời cho sung sướng? Tại sao thấy cảnh mẹ khổ rồi khóc trở về, không làm gì được? Đó là một vấn đề cần phải hiểu rõ. Trong nhà Phật có câu “Thần thông bất năng địch nghiệp”, nghĩa là thần thông không thể diệt được định nghiệp. Nghiệp đã nhất định rồi, dù có thần thông cũng không đổi dời được.

Như trường hợp Đức Phật khi đã đắc quả rồi, dòng họ Thích bị vua Lưu Ly cử binh sang đánh. Đức Phật nhiều lần khuyên ngăn nhưng không được, cuối cùng Phật cũng đành chịu để vua Lưu Ly chém giết dòng họ Thích Ca. Như vậy để thấy khi định nghiệp có rồi thì khó cải đổi được. Đức Phật không cứu được dòng họ cũng như ngài Mục Kiền Liên không cứu được mẹ, dù là có thần thông. Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy rõ thần thông không chuyển được định nghiệp của người khác.

Trong nhà thiền thì xem thường thần thông lắm. Như tổ Hoàng Bá ở Trung Hoa, ngài lên núi Thiên Thai vào mùa mưa, khi xuống núi gặp một vị Tăng, cả hai kết bạn cùng đi. Đi một đỗi gặp dòng suối lớn, nước chảy mạnh, đằng xa có một con thuyền. Vị Tăng cùng đi bảo “huynh đi qua đi”, ngài Hoàng Bá nói “huynh qua được thì cứ qua trước”. Vị Tăng nọ liền vén áo, đi thật nhanh trên mặt nước qua bờ bên kia. Ngài Hoàng Bá dùng thuyền qua sau. Đến bờ bên kia, người bạn đồng hành cười ra vẻ xem thường ngài không có thần thông.

Ngài hỏi: - Huynh tập bao lâu mới được thần thông?

Đáp: - Ba mươi năm.

Ngài Hoàng Bá nói: - Công của huynh tập ba mươi năm, giá đáng hai xu thôi.

Vì bỏ ra ba mươi năm để có thần thông đi qua dòng suối, trong khi thiền sư chỉ cần tốn hai xu qua đò là xong. Nên ngài nói công tập ba mươi năm chỉ đáng giá hai xu! Như vậy để chúng ta hiểu đạo Phật trọng tu hành chuyển nghiệp hơn là thần thông. Bởi vì nghiệp mình tạo sẽ chuốc quả khổ, người khác có thần thông không cứu được. Muốn hết nghiệp phải chuyển từ lúc ban đầu, chớ không phải luyện tập thần thông mà được.

Nghiệp của bà Thanh Đề, mẹ ngài Mục Kiền Liên là nghiệp gì? Bỏn xẻn là một phần nhỏ, lớn hơn là lòng hiểm ác. Từ nghiệp hiểm ác bỏn sẻn mà đọa vào kiếp ngạ quỷ, làm quỷ đói. Đã đọa rồi thì phải chịu quả, dù con mình có thần thông cũng không cứu được. Cho nên biết thần thông không chuyển được nghiệp, chỉ tu mới chuyển được thôi. Đó là giải đáp thắc mắc về vấn đề thần thông.

Còn một vấn đề nữa, sau khi ngài Mục Kiền Liên về, trình lên Phật nỗi đau khổ vì thấy mẹ đói, Ngài đem cơm cho mẹ ăn mà bà ăn không được. Ngài muốn cứu mẹ, không làm sao cứu được. Phật mới dạy Tôn giả thỉnh chư Tăng cầu nguyện cho mẹ Ngài chuyển kiếp ngạ quỷ. Sau khi tổ chức Lễ Vu lan rồi, chư Tăng thọ trai xong, đồng thời nguyện cầu cho bà chuyển được tâm niệm ác độc trở thành tâm niệm lương thiện. Nương nơi sức cầu nguyện của chư Thánh tăng, bà chuyển được tâm xấu ác thành tâm thiện lành, liền sanh lên cõi Trời. Nhân đó, người ta đặt câu hỏi đạo Phật nói nhân quả, tạo nhân nào thì chịu quả nấy, tại sao cầu nguyện liền mất hết quả cũ. Như vậy lý nhân quả nằm ở chỗ nào? Đó là một vấn đề.

Quý Phật tử nên biết không phải chư Tăng tụng kinh cầu nguyện, liền đó bà Thanh Đề được sanh về cõi Trời. Hương linh của người chết đọa vào kiếp ngạ quỷ, họ sống, họ ăn bằng cái tưởng. Chúng ta cúng cô hồn gồm muối, gạo, cơm cháo…, cúng rồi còn hay hết, cúng rồi còn nguyên. Như vậy rõ ràng do tâm tưởng, họ ăn được no. Họ ăn bằng cái tưởng nên họ sống bằng tâm tưởng nhiều hơn sống bằng cái thực. Vì thể xác của họ không nặng nề như mình, mà nhẹ nhàng như bóng như gió vậy. Do sống bằng tâm tưởng nên khi chuyển tâm tưởng lại thì liền đó thoát khổ. Khi chư Tăng nguyện lành cho bà, bà thức tỉnh chuyển tâm hiểm ác keo kiệt trở thành tâm lương thiện, liền sanh cõi Trời. Như vậy không phải chư Tăng có khả năng đưa bà lên cõi Trời, mà do bà chuyển được tâm niệm nên sanh về cõi Trời.

Lúc trước bà chết, tâm hiểm ác keo kiệt dẫn bà đi vào cõi Ngạ quỷ. Thế thì quý Phật tử nhất là những vị lớn tuổi cần phải đề phòng. Chúng ta khi ra đi sẽ theo tâm tưởng mà thác sanh. Tưởng lành tưởng ác sẽ dẫn mình đi vào đường lành đường ác. Do đó nhà chùa hay tổ chức lễ cầu nguyện cho người sắp lâm chung, chư Tăng chư Ni hoặc huynh đệ Phật tử tới hộ niệm để làm gì? Bởi vì khi chúng ta sắp xả thân, thể xác này đau đớn khổ sở vô kể, vì lo đau đớn nên quên niệm lành. Bây giờ muốn được niệm lành phải có sự trợ lực của chư Tăng chư Ni hoặc huynh đệ, cùng đọc lên những lời dạy của Phật tức là đọc kinh, để mình nhớ lại Phật mà quên những niệm xấu. Nhờ nhớ Phật, quên niệm xấu nên nhắm mắt mình đi đường lành. Đó là ý nghĩa quan trọng của người trợ niệm.

Chúng ta khi còn khỏe mạnh tỉnh táo nghĩ tới điều lành, nghĩ tới lời Phật dạy không khó. Nhưng lúc đau đớn khổ sở, thân thể bức ngặt quá, thật là khó nhớ. Cho nên bây giờ chúng ta ráng tu, ráng gìn giữ tâm tư trong sáng. Những tâm tư trong sáng đó giúp mình khi bức bách không bị quên, không bị xao lãng, nếu không tu như vậy tới chừng đó chúng ta không thể chuyển kịp. Nhiều người khi sống cũng làm đôi ba việc thiện, nhưng khi chết đau khổ quá, ai làm trái ý liền nổi giận lên. Chính cái giận đó sẽ dẫn họ đi vào đường ác, gọi là cận tử nghiệp, cái đó hết sức hệ trọng. Quý Phật tử nghĩ đến sự tu thì ráng tập tâm tư của mình luôn luôn trong sáng. Khi gần nhắm mắt được chư Tăng chư Ni hoặc các Phật tử giúp cho, mình cố gắng thêm quên cái đau đớn, chỉ nhớ Phật, đó là duyên tốt để đi đường lành. Người thân cũng nên nhớ đừng gây phiền hà buồn bực làm cho thần thức kẻ sắp lâm chung đi vào đường khổ.

Bởi vậy tinh thần hiếu thảo của Phật tử là phải quý trọng giờ lâm chung của cha mẹ, đem hết lòng thành kính thỉnh mời chư Tăng chư Ni tới để trợ lực giúp cho cha mẹ tỉnh táo, nhớ được điều lành. Đây là việc hết sức thiết yếu. Phật tử nhớ chúng ta tu là làm sao cho hiện đời được an lạc, khi nhắm mắt đi trên đường lành. Đó là người biết lo xa, chuẩn bị trước, không phải tu chỉ để được phước. Được phước mà tâm còn tối tăm, xấu xa thì phước chưa đủ để đưa mình tới chỗ lành.

Như chúng ta thấy có nhiều con chó sướng hơn con người, phải không? Nó được cưng được quý, trong khi nhiều con người sống lang thang rất khổ sở. Bây giờ đặt câu hỏi ngược lại, có phước mới được làm người, vô phước mới làm súc sanh, tại sao đã làm súc sanh mà sướng hơn người? Đó là một vấn đề chúng ta cần phải hiểu rõ. Bởi vì người vừa làm phước vừa tạo tội nên sanh có quả không cố định được. Ví như người đi ăn trộm được tiền nhiều, họ đem cúng chùa một phần, hưởng một phần. Như vậy một bên làm tội một bên làm phước. Có tội thì phải đọa, nhưng làm phước thì hưởng phước. Cho nên tuy tội đọa làm súc sanh mà vẫn hưởng được phước sung sướng. Phật tử tu làm sao để vừa được làm người, vừa có phước nữa, chớ đừng có phước mà không được làm người, uổng lắm. Hiểu rõ như vậy chúng ta sẽ không thắc mắc về thân phận và quả phước khác nhau của chúng sanh.

Quý vị tu hành không phải chỉ làm phước thôi mà ráng chuyển tâm của mình làm sao cho tốt, cho thanh tịnh sáng suốt. Đó mới là gốc của sự tu. Phước để bổ túc thêm khiến cho chúng ta có mặt ở đâu đều được an vui, sung sướng, dễ tu. Trong nhà Phật thường gọi là phước tuệ song tu. Tuệ là trí tuệ để chiếu soi làm cho xấu xa suy giảm, rồi sau đó tu phước nữa thì mới được hưởng đầy đủ. Đó là nói sơ lược qua về ý nghĩa của tinh thần kinh Vu Lan trong nhà Phật.

HT.THÍCH THANH TỪ

Nguồn: Blog ThoKao.

Nam Mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Duyên Anh & tác phẩm



Duyên Anh
Duyên Anh (1935 - 1997)
Duyên Anh sinh ngày 16 tháng 8 năm 1935 tại Thái Bình Bắc việt mất ngày 6 tháng 2 năm 1997 tại Paris, Pháp (nhằm ngày 29 tết). Ông đã xuất bản năm mươi tác phẩm văn chương. Năm 1975, bị coi như "một trong mười nhà văn nguy hiểm nhất của Việt Nam", chế độ mới cấm ông viết lách và bắt giam không xét xử suốt sáu năm qua các nhà tù và trại tập trung. Ông được tự do nhờ Amnesty International và Pen Club International can thiệp. Vượt biển sang Pháp, ông viết lại và cho xuất bản gần hai mươi tác phẩm, trong đó Un Russe à Saigon và La colline de Fanta do nhà Belfond xuất bản. Báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình Pháp viết nhiều, nói nhiều về ông. Sử gia Piere Chaunu, giáo sư đại học Sorbonne, nhà văn lừng danh coi Duyên Anh là "nhà thơ lớn, vinh quang của quốc gia". Chưa một người Việt Nam nào tạo nổi sự vinh dự cho dân tộc ở tư thế lưu vong như Duyên Anh. Tự tin vào tài năng và sự phấn đấu của chính mình, ông đã bước lên mọi nghịch cảnh, bước qua mọi oan khiên để giành một chỗ đứng trên vũ trụ văn học quốc tế như một tiểu thuyết gia đầy đủ tư cách.

TÁC PHẨM:
Hoa Thiên Lý (Tập truyện ngắn 1963)
Thằng Vũ (Truyện dài 1963)
Điệu Ru Nước Mắt (Truyện dài 1963)
Ảo Vọng Tuổi Trẻ (Truyện dài 1964)
Giấc Mơ Một Loài Cỏ - Luật Hè Phố 1 (Truyện dài 1965)
Con Suối Ở Miền Đông - Luật Hè Phố 2 (Truyện dài 1965)
Dzũng Đakao (Truyện dài 1965)
Chương Còm (Truyện dài 1965)
Dấu Chân Sỏi Đá (Truyện dài 1966)
Sa Mac Tuổi Trẻ (Truyện dài 1966)
Kẻ Bị Xóa Trong Sổ Bụi Đời (Tập truyện ngắn 1966)
Cỏ Non (Tập truyện ngắn 1967)
Gấu Rừng (Truyện dài 1967)
Mây Mùa Thu (Truyện dài 1967)
Ngày Xưa Còn Bé (Truyện dài 1967)
Trần Thị Diễm Châu - Châu Kool (Truyện dài 1967)
Vết Thù Hằng Trên Lưng Con Ngựa Hoang (Truyện dài 1967)
Năng Nợ Giang Hồ (Truyện dài 1967)
Bồn Lừa (Truyện dài 1967)
Chính Trị Giao Chỉ - Thương Sinh (Phóng sự 1967)
Đầm Giao Chỉ - Thương Sinh & Gã Thâm (Phóng sự 1967)
Rồi Hết Chiến Tranh (Truyện dài 1968)
Ánh Mắt Trông Theo (Truyện dài 1968)
Thằng Côn (Truyện dài 1968)
Trường Củ (Truyện dài 1968)
Đi Tàu Suốt - Thương Sinh (Phóng sự 1968)
Yêu-Tiền - Thương Sinh & Gã Thâm (Phóng sự 196?)
Ánh Lửa Đêm Tù (Tập truyện ngắn 1969)
Cầu Mơ (Truyện dài 1969)
Mơ Thành Người Quang Trung (Truyện dài 1969)
Tuổi Mười Ba (Truyện dài 1969)
Mặt Trời Nhỏ (Truyện dài 1969)
Tuyển Truyện Duyên Anh (Tập truyện ngắn 1970)
Nhà Tôi (Truyện dài 1970)
Lứa Tuổi Thích Ô Mai (Truyện dài 1970)
Đàn Bà (Truyện dài 1970)
Tên Một Loài Hoa Quê Hương (Truyện dài 1970)
 Giặc Ôkê (Truyện dài 1971)
Hưng Mập Phiêu Lưu (Truyện dài 1971)
Ngựa Chứng Trong Sân Trường (Truyện dài 1971)
Nước Mắt Lưng Tròng (Truyện dài 1971)
Áo Tiểu Thư (Truyện dài 1971)
Con Thúy (Truyện dài 1972)
Phượng Vĩ (Truyện dài 1972)
Thằng Khoa (Truyện dài 1972)
Về Yêu Hoa Cúc (Truyện dài 1972)
Thư Tình Trên Cát (Truyện dài 1972)
Bò Sửa Gặm Cỏ Cháy (Tâm bút 1972)
Hạ Ơi (Truyện dài 1973)
Đêm Thánh Vô Cùng (Tập truyện ngắn 1973)
Cám Ơn Em Đã Yêu Anh (Truyện dài 1974)
Hôn Em Kỷ Niệm (Truyện dài 1974)
Cây Leo Hạnh Phúc (Truyện dài 1974)
Tháng Giêng Ngon Như Một Cặp Môi Gần (Tập truyện ngắn 1975)
Đồi Fanta (Truyện dài 1982)
Sỏi Đá Ngậm Ngùi (Truyện dài 1985)
Một Người Tên Là Trần Văn Bá (Truyện dài 1985)
Bầy Sư Tử Lãng Mạng (Truyện dài 1986)
Một Người Nga ở Sài Gòn (Truyện dài 1986)
Thơ Tù (Thơ 1987)
Nhánh Cỏ Mộng Mơ (Truyện dài 1987)
Quán Trọ Trước Cổng Thiên Đường (Truyện dài 1987)
Nhà Tù (Hồi ký 1987)
Trại Tập Trung (Hồi ký 1987)
Sài Gòn Ngày Dài Nhất (Hồi ký 1988)
Nhìn Lại Những Bến Bờ (Hồi ký 1989)
Em, Tôi, Sàigòn và Paris (Thơ 1989)
Ngược Giòng Chữ Nghĩa (Tâm bút 1991)
Ca Dao Quyện Lấy Miếng Ngon Dân Tộc : Nấu Nướng Dân Gian (Tâm bút 1995)
Về Với Ca Dao (Tâm bút 1995)
Vỡ Lòng Ca Dao (Tâm bút 1995)
Những Đứa Trẻ Con Mỹ Hẩm Hiu (Truyện dài 1995)
Hồn Say Phấn Lạ (Truyện dài 1996)
Tuổi Bướm Sầu (Truyện dài chưa xuất bản)